Thực hiện công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn gửi Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát, phát hiện, theo dõi, điều trị COVID-19 là một hoạt động rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tại tỉnh ta chỉ riêng đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4-2021 đến nay, các cơ sở xét nghiệm đã thực hiện 439.340 mẫu xét nghiệm RT-PCR tương đương với bình quân mỗi ngày thực hiện 2.440 mẫu xét nghiệm. Vì vậy, trong thời gian qua Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đã ưu tiên chỉ đạo nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong năm 2021 đã trang bị bổ sung 15 hệ thống xét nghiệm RT-PCR cho 14 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đến nay các hệ thống xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn tỉnh đều đã được triển khai vận hành, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Để tổ chức công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới.

Cụ thể, ngoài việc xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch tễ, cách ly, điều trị, các hoạt động xét nghiệm phải được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, bao gồm xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người...) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)... Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ khi đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Đối với người tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; khi phải cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa).

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, UBND các cấp xem xét quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp. Tăng cường thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu hoặc Test nhanh trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ, đảm bảo chính xác và tiết kiệm chi phí. Việc tổ chức xét nghiệm phải thực hiện chủ động theo kế hoạch đã được xây dựng từ trước và theo chỉ định của cơ quan y tế địa phương, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng; sử dụng phương pháp xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp với từng nhóm đối tượng nguy cơ. Xét nghiệm gộp mẫu (kể cả Test nhanh kháng nguyên và RT-PCR) đối với các đối tượng cùng nhóm có nguy cơ thấp. Các đối tượng nguy cơ cao như F1 và người trong khu vực phong tỏa nên được xét nghiệm từng mẫu đơn riêng lẻ.

Nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xét nghiệm tầm soát chủ động và xét nghiệm điều tra dịch tễ theo kế hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí nhà nước theo phân cấp và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp, theo phương châm “4 tại chỗ”.

Về xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động tại đơn vị theo Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30-9-2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các yêu cầu về tần suất và đối tượng xét nghiệm: Xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% nhóm người lao động có nguy cơ cao (bao gồm: tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân, ...); Xét nghiệm 2 tuần/lần cho tất cả những người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm: người cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh). Các đối tượng nêu trên nếu đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì chỉ khuyến khích, chứ không bắt buộc xét nghiệm sàng lọc. Các xét nghiệm sàng lọc được thực hiện bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test kháng nguyên nhanh. Test kháng nguyên nhanh SARS-COV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng Test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm đồng thời phải báo cáo kết quả xét nghiệm trong vòng 2 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm cho Trung tâm y tế cấp huyện nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng chân. Trường hợp dương tính với SARSCoV-2 thì phải báo cáo ngay sau khi có kết quả xét nghiệm và xử lý theo quy định.

Đối với các trường hợp là F0 và các đối tượng nguy cơ cao như F1 và người trong khu vực phong tỏa và các đối tượng đặc biệt khác thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế dự phòng cấp tỉnh, cấp huyện dựa trên kết quả điều tra dịch tễ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với người lái xe, người trên các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác vào địa bàn tỉnh phải được tiêm chủng đủ mũi vắc xin, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; đồng thời phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT PCR trong vòng 72 giờ. Người lái xe, người trên các phương tiện vận tải hàng hóa nội tỉnh phải được tiêm chủng đủ mũi vắc xin, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; đồng thời phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ 2 tuần/lần tại các cơ sở y tế.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/covid-19/thuc-hien-cong-tac-xet-nghiem-sars-cov-2-nham-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19/147552.htm