Thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp 2013 về quyền sở hữu tài sản
Chiều 12/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ 'Hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân'.
Báo cáo tại Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài nhằm phân tích toàn diện, giải thích các nguyên tắc hiến định của Hiến pháp 2013 về Quyền sở hữu tài sản và yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đánh giá bất cập, hạn chế trong việc tiếp cận nguyên lý, lý luận, xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật về Quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là các loại tài sản mới, phi truyền thống, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Việc nghiên cứu đề tài còn nhằm hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện Đề án “Thể chế hóa đầy đủ Quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản” và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020.
Đề tài gồm 03 chương, trong đó chương 1 giới thiệu tổng quan lý luận về quyền sở hữu tài sản từ góc độ Hiến pháp, pháp luật dân sự và một số kinh nghiệm nước ngoài. Chương 2 phân tích thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật về quyền sở hữu tài sản ở Việt Nam. Chương 3 tổng hợp một số kết luận, bối cảnh, yêu cầu hoàn thiện thể chế và kiến nghị.
Thay mặt Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao giá trị lý luận, thực tiễn, tính thời sự của Đề tài. Theo Thứ trưởng, đề tài có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển pháp luật dân sự nói chung và chế định về sở hữu tài sản nói riêng với nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị tham khảo về đăng ký tài sản, hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, bất động sản.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu cần làm sâu sắc thêm phần lý luận của đề tài, nhất là về những đặc thù của quyền sở hữu tài sản; cụ thể hơn các kiến nghị liên quan đến việc xử lý tài sản số, tài sản chung của vợ chồng, sở hữu tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước, làm rõ các căn cứ, thời điểm xác lập quyền sở hữu; cân nhắc về bố cục đề tài…