Thực hiện Đề án 06: Phải cải cách thực chất và cung cấp được các tiện ích rất cụ thể
'Chúng ta thực hiện Đề án 06 là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, đóng góp vào xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh...' – Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chiều 28-2, TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá kết quả thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) năm 2022, đồng thời đề ra phương hướng thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM và lãnh đạo nhiều sở, ngành.
Bước đầu đạt kết quả khả quan
Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06/CP năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM cho biết đã ban hành nhiều văn bản, quyết định quan trọng để kịp thời triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao của Đề án 06 đảm bảo đạt yêu cầu và đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đến nay, TP.HCM đã có 3.864 cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện những nhiệm vụ của Đề án 06, gồm: 2.598 CBCS thuộc lực lượng Công an thành phố và 1.275 căn bộ thuộc sở, ngành, UBND các cấp. Hiện các đơn vị đang tiếp tục rà soát để bổ sung đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Đề án 06.
Thành phố đã khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay thành phố đã cung cấp 424 dịch vụ công trực tuyến, số hồ sơ tiếp nhận giải quyết từ ngày 15-1-2023 đến ngày 14-2-2023 là 10.178 hồ sơ…
Riêng Công an thành phố, với vai trò cơ quan thường trực đã chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan tích cực thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu lãnh đạo UBND thành phố và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.
Công an thành phố đã quyết tâm thực hiện các giải pháp làm sạch và làm giàu dữ liệu dân cư, tổ chức 3 đợt cao điểm thu nhận và cấp hơn 7 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử (xếp thứ 5 toàn quốc), nỗ lực thực hiện số hóa tàng thư hộ khẩu (đã thực hiện việc nhập vị trí túi hộ khoảng 1.559.094 hồ sơ, đạt 89,1%), cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho 1.473.301/5.822.070, đạt 25,3%, tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến trung bình đạt 57,1%.
Đặc biệt, Công an thành phố đã triển khai nhiều mô hình Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, nhà văn hóa, các trụ sở tiếp công dân; mô hình điểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh về triển khai các nhóm tiện ích; mô hình điểm triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 14 tuổi thông qua mã định danh cá nhân, mô hình an sinh xã hội…
Còn nhiều khó khăn cần khắc phục
Tựu chung, việc triển khai Đề an 06 trên địa bàn TP.HCM đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như bộ phận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cửa vẫn yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú (CT07, CT08) trong quá trình giải quyết các TTHC. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân…
Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, thay mặt Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chúc mừng những kết quả đạt được bước đầu của thành phố. Thiếu tướng Lê Minh Hiếu nhấn mạnh muốn chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thành công thì một trong những nội dung quan trọng là phải tạo được niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Muốn tạo được niềm tin thì phải cải cách thực chất và cung cấp được các tiện ích rất cụ thể.
Thành phố cần quan tâm chỉ đạo rà soát tất cả các trường hợp liên quan, hướng dẫn cụ thể cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương bỏ sổ hộ khẩu, không gây phiền hà cho người dân, dẫn đến bức xúc...
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị triển khai nhiệm vụ của Đề án 06 trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ông yêu cầu việc xem xét để tích hợp Ban chỉ đạo Đề án 06 và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số lại để tinh gọn, hiệu quả. “Sau một năm triển khai kết quả có nhiều, cũng có những hạn chế. Tôi muốn nói chúng ta thực hiện Đề án là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn để đóng góp vào xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, chứ không phải đứng nhất, đứng nhì với ai. Những hạn chế đó cần phải soi chiếu để có giải pháp khắc phục” – ông Mãi yêu cầu.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, hiện có 5 dịch vụ công còn chậm, tỉ lệ thấp so với cả nước; số hóa ở bộ phận một cửa tại các sở ngành, quận huyện chưa đạt yêu cầu…
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin Truyền thông, cơ quan truyền thông, mặt trận, đoàn thể hỗ trợ việc tuyên truyền các nội dung của Đề án với mục đích lan tỏa, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhân dân. “Tổ giúp việc, tổ công tác phải rà soát, nhắc nhở hàng tuần, hàng tháng. Khi nảy sinh vấn đề thì phối hợp, báo cáo ngay cho Trưởng ban chỉ đạo để có điều tiết” – ông nhấn mạnh.
Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 cũng yêu cầu trong việc phối hợp giữa thành phố, các bộ, ngành trường hợp có vướng thì phải báo ngay cho Trưởng ban để làm việc. “Mục tiêu đến năm 2025, hành chính của chúng ta thực hiện trên nền tảng số, người dân ngồi ở đâu vẫn thực hiện được thủ tục trên nền tảng số của chúng ta. Ở đây phải có sự đầu tư để đạt mục tiêu, như mục tiêu kinh tế số đạt 25%, góp phần hình thành xã hội số, TP thông minh” – ông Mãi kết luận.
Trong buổi Sơ kết, TPHCM đã tổ chức trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 06 năm 2022 trên địa bàn thành phố.