Thực hiện di nguyện của Hồ Chí Minh về miễn thuế nông nghiệp
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới nông dân, trong Di chúc năm 1968, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các HTX nông nghiệp.
Suốt cuộc đời, kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến một xã hội mới, ở đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Hiểu rõ đại đa số thành phần nhân dân đều sống ở nông thôn và làm nông nghiệp nên trong mọi đường lối chỉ đạo của mình Bác luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong bản Di chúc dặn lại toàn Đảng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ đến chuyện sau chiến tranh phải chú ý bình công, báo công và chăm lo những người đóng góp cho cách mạng. Người thấu hiểu những người nông dân là những người vất vả cực khổ nhất nên đã đề nghị Đảng sau ngày kháng chiến thành công thì miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân để đẩy mạnh sản xuất.
Tiến sỹ Lưu Trần Luân, nguyên Ủy viên Hội đồng biên tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật cho biết: “Năm 1989 trong không khí đổi mới, Bộ Chính trị do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư quyết định công bố toàn văn Di chúc và công bố ngày mất của Bác là ngày 2/9. Có một số điểm mới trong Di chúc như Bác dặn miễn thuế nông nghiệp trong 1 năm thì Bộ Chính trị phải có quyết định, sau đó thì Quốc hội ra Nghị quyết, ngay sau đó mặc dù kinh tế con khó khăn nhưng Bộ Chính trị vẫn thực hiện ngay cho bà con trong 1 năm”.
Theo Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tảng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc miễn thuế nông nghiệp trong 1 năm thể hiện sự quan tâm rất thiết thực của Bác. Thực hiện di nguyện của Người, ngày 28/12/1989, Quốc hội ra Nghị quyết về việc miễn thuế nông nghiệp. Theo đó, “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ nông dân, thực hiện trong hai năm 1990 và 1991, mỗi năm miễn 50% số thuế ghi thu”.
Tiến sỹ Chu Đức Tính lý giải, khi đó, việc miễn thuế cho nông dân được thực hiện thành 2 vụ, trong 2 năm để tránh thất thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn.
"Đến hôm nay với sự tăng trưởng kinh tế, nông dân được hưởng nhiều quyền lợi mà chắc rằng Bác biết rất vui lòng. Công trình điện- đường- trường-trạm mang lại bộ mặt mới hoàn toàn cho nông thôn. Về mặt thuế nông nghiệp nhiều năm nay Chính phủ ta đã miễn thuế nông nghiệp không thu trên ruộng canh tác. Ngoài ra ở 1 số địa phương kinh tế phát triển đã miễn thủy lợi phí cho dân. Như vậy, riêng về mặt chăm sóc cho nông dân, tôi cho rằng Đảng ta đã làm vượt cả yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đảng ta đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta đi theo con đường mà Người đã chọn. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10 về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp. Nghị quyết đã mở đầu cho sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp, nông thôn nước thời kỳ đổi mới, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), nền kinh tế nước ta nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu phát triển khả quan.
Từ một nước thường xuyên thiếu và đói, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống chính trị-xã hội nông thôn và trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý năm ngoái, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa với tổng giá trị hơn 40 tỷ USD.
Tiến sỹ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đánh giá nhấn mạnh, 10 năm qua, trong lĩnh vực nông nghiệp nông dân nông thôn, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 7, cách đây 10 năm có tác động lớn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Đặc biệt là sự thay đổi lớn trong đời sống của nông dân ở mọi vùng quê mọi miền của đất nước, nâng cao đời sống nông dân. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống đáng kể và rõ rệt, được Liên Hợp Quốc ghi nhận”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là niềm tin vào thắng lợi cuối cùng và thể hiện quan điểm của Người về vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân đối với nền kinh tế đất nước. Với việc đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, 50 năm đã trôi qua đã chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta thực hiện đúng di nguyện của Người./.