Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành chế biến mía đường, sắn

Lực lượng chức năng kiểm tra, nắm tình hình sản xuất đường tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Ảnh: KHANG ANH

Chế biến mía đường, sắn là một trong những ngành công nghiệp đóng góp cho tỉnh và tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngành phát triển và hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Tạo thu nhập ổn định cho nông dân

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nông dân xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) cho biết: Vùng đất Sơn Hòa thích hợp trồng sắn, mía nên gia đình tôi quyết định đầu tư trồng sắn và lấy đó làm thu nhập chính của gia đình. Niên vụ sắn 2021-2022, gia đình trồng 3,8ha sắn, sản lượng thu hoạch đạt 100-120 tấn; trừ chi phí, tiền lời cũng đủ trang trải chi tiêu và gầy lứa sắn mới.

Cũng tại huyện Sơn Hòa, từ việc tham gia các mô hình trình diễn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bón phân, cày cỏ…, ông Phạm Văn Thích (xã Sơn Hà) đã đầu tư trồng 5,2ha mía, chủ động liên kết với nhà máy chế biến đường để thu mua mía sau thu hoạch. Ông Thích cho hay: Được sự hỗ trợ về kinh phí không thu lãi của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP), tôi đã đầu tư giống, phân bón và 2 máy bơm nước. Đợt thu hoạch mía vừa rồi, sản lượng mía đạt 420 tấn.

Còn ông Phan Văn Hòa ở thôn Ea Ngao (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) chia sẻ: Trong nhiều năm trồng sắn, gia đình thu nhập khoảng 220 triệu đồng/năm. Nguồn thu này đã giúp gia đình đảm bảo chi tiêu; tạo việc làm cho 11 lao động thuộc 5 hộ nghèo, cận nghèo của xã và giúp họ vay vốn khoảng 130 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh cho biết: Hàng năm, ngành Công nghiệp chế biến mía đường, sắn không chỉ đóng góp đáng kể cho ngân sách tỉnh mà còn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trực tiếp tại các nhà máy. Ngoài ra, hoạt động trồng mía, sắn cũng đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh.

Nông dân xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy chế biến đường. Ảnh: KHANG ANH

Nông dân xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy chế biến đường. Ảnh: KHANG ANH

Doanh nghiệp cùng chung tay

Các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa là những địa phương có diện tích đất trồng sắn, mía chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, các nhà máy chế biến công nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương này để hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả và duy trì hoạt động sản xuất xuyên suốt cho nhà máy. Đối với việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, niên vụ vừa qua, các doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với số tiền gần 258 tỉ đồng.

Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc KCP cho biết: Năm qua, KCP ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu trên 15.000ha mía của nông dân; hỗ trợ 5-8 triệu đồng/ha đối với diện tích mía trồng mới, trồng lại; hỗ trợ 50.000 đồng/tấn mía cho người trồng đầu tư giếng khoan, máy bơm, năng lượng mặt trời, hệ thống tưới nhỏ giọt; hỗ trợ 1-3 triệu đồng đầu tư máy bơm dầu/điện; hỗ trợ 30.000 đồng/tấn bã bùn. KCP cũng đóng góp tu sửa giao thông nội đồng; hỗ trợ hơn 3,9 tỉ đồng để cải tạo hệ thống thủy lợi, hỗ trợ lãi suất 0% cho nông dân đầu tư giống, phân bón, thiết bị nông nghiệp.

Cùng với KCP, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa đã đầu tư trên 1.500ha mía; trong đó tập trung hỗ trợ vật tư, phân bón, giống, tiền chăm sóc cho nông dân và bao tiêu diện tích mía đã ký kết hợp đồng với nông dân. Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cũng đầu tư tiền mặt với lãi suất 6,5%/năm để đầu tư thâm canh cây sắn cho những hộ có diện tích lớn, đại lý uy tín với số tiền gần 3 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại cũng cho hơn 2.800 hộ dân trồng mía vay trên 386 tỉ đồng và 20 hộ trồng sắn vay hơn 8 tỉ đồng. Các ngân hàng thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho các hộ trồng mía, sắn với số tiền trên 27 tỉ đồng để nông dân thâm canh, đầu tư nguyên liệu.

Theo các địa phương, các nhà máy chế biến, hộ nông dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu. Như ở Sông Hinh, Sơn Hòa, trên 70% diện tích mía được trồng bằng máy; một số diện tích mía, sắn được các hộ dân áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các nhà máy chế biến công nghiệp hỗ trợ đầu tư không tính lãi, kịp thời điều chỉnh giá mua nguyên liệu hợp lý theo hướng có lợi cho nông dân và duy trì sản xuất, tiêu thụ hết nông sản.

Thực hiện các giải pháp phát triển bền vững

Theo Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh, dự kiến niên vụ 2022-2023, diện tích mía toàn tỉnh đạt 22.335ha, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn; các nhà máy đường có kế hoạch ép gần 1,2 triệu tấn mía; sản lượng đường sản xuất ước đạt 118.440 tấn. Riêng cây sắn, diện tích toàn tỉnh dự kiến 25.216ha, sản lượng ước đạt 520.458 tấn; các nhà máy sẽ chế biến khoảng 327.900 tấn. Để đạt mục tiêu này, ban điều hành, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó tăng cường công tác khuyến nông, khảo sát đầu tư mới một số công trình thủy lợi để tăng diện tích mía có tưới, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông La Hoàng Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) cho biết: Xã sẽ thực hiện một số giải pháp để phát triển bền vững vùng nguyên liệu; vận động nông dân thu hoạch mía sạch, bảo đảm nguyên liệu cung ứng cho KCP; ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật để cây trồng đạt hiệu quả cao. Địa phương sẵn sàng phối hợp với các ngành chức năng, chuyên môn để phát triển cây mía; thực hiện các mô hình thâm canh thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng; triển khai chính sách hỗ trợ nông dân như vay vốn, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công…

Theo đại diện Công ty CP Tinh bột sắn FOCOCEV (huyện Sông Hinh), những năm qua, cây sắn thường xuyên bị bệnh khảm lá. Vừa qua, một số giống sắn mới được đưa vào khảo nghiệm trên một số diện tích đất nhưng đang trong quá trình đánh giá hiệu quả nên chưa thể áp dụng rộng rãi. Nhà máy khuyến cáo nông dân trồng giống sắn KM94 và có chính sách hỗ trợ lâu dài đối với nông dân có hợp đồng thu mua với công ty.

Về giống cây trồng, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Sở KH-CN đang triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến việc chọn giống sắn, mía đạt năng suất và có khả năng kháng bệnh cao. Sau khi thử nghiệm, đánh giá hiệu quả, các loại giống này sẽ áp dụng trồng rộng rãi trên địa bàn.

Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn việc tiêu thụ đường nhập lậu, quản lý vùng nguyên liệu... Ban điều hành đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đưa ra chính sách thu mua sớm; rà soát, ký kết hợp đồng liên kết với nông dân ngay từ đầu vụ để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291671/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-de-phat-trien-nganh-che-bien-mia-duong-san.html