Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là năm tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm. Trong nước, nhiều khó khăn, thách thức kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH của tỉnh đạt được những kết quả tích cực; có 7/9 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt.

Vấn đề đáng quan tâm là có 2 chỉ tiêu chưa đạt, đó là thu ngân sách nhà nước ước thực hiện được 3.800 tỉ đồng/4.050 tỉ đồng, đạt 93,8% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 24.220 tỉ đồng/27.000 tỉ đồng, đạt 89,7% kế hoạch. Ở đây xin dừng lại phân tích thêm về khó khăn và các giải pháp cần thực hiện để tăng thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới một cách bền vững.

Có thể nói nền kinh tế của tỉnh trong năm qua tiếp tục đối mặt với những khó khăn do tình hình suy giảm kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tiểu thương bị đình trệ; thị trường bất động sản trầm lắng; nguồn thu vãng lai sụt giảm lớn. Trong khi đó phải thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu thu ngân sách và quản lý, điều hành tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại số thu ngân sách năm 2023, có thể thấy chỉ số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước có thể đạt dự toán, còn các khoản thu trong cơ cấu thu nội địa đạt thấp, như thu từ tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Nguồn thu từ các địa phương đạt thấp, dư địa phát sinh nguồn thu không nhiều. Do đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mà các hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ ra. Đó là ngành tài chính chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách; khai thác thêm các dư địa phát sinh nguồn thu từ các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, đấu giá dự án...

Cùng với đó, tích cực tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo lập, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tập trung chỉ đạo công tác giải ngân, thanh quyết toán các dự án đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí; kiên quyết không để xảy tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Xem xét, xử lý các dự án đã được bố trí vốn nhưng triển khai chậm hoặc khó triển khai thực hiện để ưu tiên điều chuyển cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn, giải ngân tốt. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững.

Đồng thời nghiên cứu chính sách để vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp mới hoặc chi nhánh hạch toán độc lập trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay để tăng thêm nguồn thu. Cùng với việc đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu thuế, tiếp tục triển khai các giải pháp tiết kiệm chi ngân sách, cắt giảm, hạn chế một số khoản chi chưa thực sự cần thiết như mua sắm tài sản công, ô tô công, sửa chữa trụ sở... để ưu tiên chi đầu tư phát triển.

Mặt khác, các cơ quan chức năng rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất cấp tỉnh và phương án bán tài sản trên đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất các cơ sở nhà, đất cấp huyện quản lý để có cơ sở thực hiện, tạo nguồn thu ngân sách địa phương; rà soát, chấn chỉnh tình trạng sử dụng tài sản công không đúng tiêu chuẩn, định mức, không đúng mục đích, gây lãng phí tài sản công; đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Nghiên cứu, áp dụng các mô hình cổ phần hóa doanh nghiệp có hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, đảm bảo thu ngân sách nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được của ngành tài chính những năm qua, bám sát các chỉ tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cùng với sự chỉ đạo của trung ương, Chính phủ, các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh để tính toán, xác định rõ các nguồn thu khả thi, xây dựng và triển khai có hiệu quả dự toán năm 2024 và những năm tiếp theo, đảm bảo nguồn thu bền vững.

Trên cơ sở đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; tập trung cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ, nâng cao năng lực quản trị, hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-de-tang-thu-ngan-sach-nha-nuoc/181798.htm