Thực hiện đồng bộ các giải pháp gieo cấy lúa vụ mùa

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy hơn 25 nghìn héc-ta lúa, phấn đấu năng suất đạt bình quân trên 58 tạ/héc-ta. Trong đó, cơ cấu lúa mùa sớm chiếm 5 - 10% diện tích, lúa mùa trung chiếm 90 - 95% diện tích gieo cấy, lúa chất lượng cao chiếm trên 70% diện tích gieo cấy. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ diện tích gieo cấy trước ngày 15/7. Nhằm chủ động sản xuất, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương và nông dân trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp để bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ.

Các cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp tại huyện Tiên Lữ sẵn sàng nguồn cung giống lúa cho nông dân sản xuất vụ mùa

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy hơn 3,3 nghìn héc-ta lúa, trong đó gieo cấy 2,1 nghìn héc-ta lúa chất lượng; phấn đấu năng suất đạt 57 tạ/héc-ta, sản lượng đạt trên 19 nghìn tấn. Huyện triển khai xây dựng 5 - 7 mô hình cánh đồng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn (10 héc-ta trở lên/mô hình) với tổng diện tích trên 500 héc-ta.

Để bảo đảm kế hoạch sản xuất, huyện Kim Động chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức giao ban sản xuất tới thôn, đội, phân công cấp ủy về phụ trách chỉ đạo từng địa bàn trong việc thu hoạch lúa xuân, gieo cấy lúa mùa để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tích cực trong sản xuất. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch thành vùng, cánh đồng và tuyên truyền, vận động nông dân gieo cấy tập trung quy mô lớn, 1 vùng 1 giống cùng thời gian. Chỉ đạo gieo cấy hết diện tích, không để không ruộng. Đối với những diện tích xuất hiện lúa cỏ, chỉ đạo làm đất kỹ, tổ chức cấy bằng máy hoặc cấy bằng tay; tuyệt đối không gieo vãi trên những diện tích này. Các xã, thị trấn lựa chọn 3-4 giống lúa chủ lực như: Nếp thơm Hưng Yên, VNR20, Hana số 7, Tiền Hải 1, ĐH12, TBR225... để gieo cấy bảo đảm lịch thời vụ và cơ cấu giống.

Nhằm phục vụ nông dân có đủ giống lúa, phân bón, làm đất kịp thời cho sản xuất vụ mùa, từ cuối tháng 5, các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp đã chủ động nhập thóc giống, phân bón để cung ứng cho nông dân. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ mùa. Tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, hoạt động cung ứng giống diễn ra sôi động. Vụ mùa năm nay, Trung tâm cung ứng hơn 100 tấn thóc giống các loại, trong đó chủ yếu là giống lúa nếp thơm Hưng Yên. Cùng với đó, tại các cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp cũng nhộn nhịp không khí mua bán thóc giống, phân bón. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết: Đại lý đã ký hợp đồng với một số công ty, đơn vị sản xuất giống cây trồng để nhập về hơn 10 tấn thóc giống các loại. Đến thời điểm này, giá thóc giống và phân bón ổn định, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất cam kết bảo đảm chất lượng cho nông dân sản xuất.

Cùng với đó, tại các địa phương, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, các chủ máy cày đã triển khai làm đất cho nông dân theo hợp đồng đã ký. Ông Trần Văn Hậu, chủ máy cày ở xã Dân Tiến (Khoái Châu) cho biết: Từ giữa tháng 5, xã huy động các chủ máy cày tổ chức thỏa thuận với nông dân về mức giá, thời gian, diện tích làm đất của các hộ trong xã; ngoài ra, tôi và một số chủ hộ có máy cày còn nhận làm đất cho nhiều diện tích sản xuất của nông dân ở các xã lân cận. Cùng với khí thế khẩn trương thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị gieo cấy lúa mùa theo phương châm “thu hoạch lúa đến đâu làm đất ngay đến đó”, đến ngày 8/6, các địa phương đã huy động phương tiện làm đất lần 1 được hơn 5 nghìn héc-ta, làm đất ngả dược mạ được hơn 500 héc-ta.

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa, sở đề nghị mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực như Nếp thơm Hưng Yên, VNR20, Hana số 7, Tiền Hải 1, ĐH12, TBR225... để gieo cấy bảo đảm theo lịch thời vụ và cơ cấu giống; có thể mở rộng diện tích gieo cấy những giống lúa triển vọng như: BT09, Hana 167, ĐB18… và một số giống theo mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức gieo cấy gọn vùng và tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống.

Để sản xuất lúa vụ mùa đạt năng suất, chất lượng cao, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt lịch cơ cấu giống và trà vụ. Các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung làm đất kỹ, nhuyễn theo phương châm "gặt đến đâu làm đất ngay đến đó". Đối với chân ruộng có kế hoạch gieo trồng cây vụ đông sớm phải bố trí gieo cấy theo lịch của trà lúa mùa sớm. Khi gieo cấy cần thực hiện phương châm “chiêm hơn xướng, mùa hơn đêm", cấy mạ đúng tuổi, bảo đảm số dảnh và mật độ theo quy trình thâm canh của từng giống. Chỉ gieo thẳng, cấy bằng máy ở chân cao, vàn cao, chủ động tưới, tiêu để giảm chi phí và công lao động, giảm áp lực lao động ở đầu vụ, rải vụ thu hoạch và bố trí trồng cây vụ đông sớm. Sau khi làm đất lần 1, dùng các chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ như Sumitri, Tricodecma để gốc rạ nhanh phân hủy, hạn chế bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý. Những chân ruộng chua, trũng, sử dụng vôi bột để khử chua, hạn chế rong rêu; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học thay thế phân chuồng để bón cho vụ mùa.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202306/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-gieo-cay-lua-vu-mua-ddd0910/