Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển
Chia sẻ với Báo Đồng Nai về kết quả hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu NGUYỄN VĂN THUỘC cho biết, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra 26 chỉ tiêu. Đến nay, đã có 7/26 chỉ tiêu vượt; 12/26 chỉ tiêu đạt; 6/26 chỉ tiêu chưa đạt và 1/26 chỉ tiêu chưa đánh giá.
Nhiều kết quả tích cực
Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả mà địa phương đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua?
- Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh chịu nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình chung, song có thể thấy, giá trị sản xuất các ngành từ năm 2022 đến nay đều tăng so với cùng kỳ. Nổi bật là giá trị sản xuất ngành công nghiệp (tăng 8,05%), giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ (tăng 17,8%), sản xuất nông nghiệp (tăng trên 4,2%). Kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện cũng đạt nhiều kết quả tốt. Công tác thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản… có nhiều chuyển biến tích cực.
Chúng tôi cũng quan tâm tập trung thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực...
Thưa đồng chí, có thể thấy địa phương có nhiều nỗ lực trong huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng. Đồng chí có thể nói rõ hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ này?
- Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được huyện quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả khả quan. Hai năm rưỡi qua, huyện đã thực hiện đầu tư 143 công trình giao thông với tổng nguồn vốn là 352 tỷ đồng. Hạ tầng cấp nước sạch, cấp điện cũng được địa phương tăng cường. Giai đoạn 2021-2023, huyện đã bố trí thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa 16 công trình giáo dục với tổng nguồn vốn trên 370 tỷ đồng...
Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 điểm du lịch đang được khai thác khá hiệu quả là: điểm du lịch sinh thái Colorland; Làng bưởi Năm Huệ; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Homestay Bà Đất. Năm 2022, số khách du lịch đạt 119.220 lượt (tăng 7,32% so với năm 2021).
Tính đến hết năm 2022 vừa qua, huyện đã cơ bản hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến hương lộ 7 và hương lộ 9; đường Vĩnh Tân - Tân An. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phía bờ sông Đồng Nai của dự án cầu Bạch Đằng 2, dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 H.Vĩnh Cửu. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành khoảng 95% dự án Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 768 đoạn từ cầu Thủ Biên đến TT.Vĩnh An. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nâng cấp mở rộng hương lộ 15.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Vĩnh Cửu đã đề xuất và đã được cập nhật bổ sung trong quy hoạch tỉnh thêm 4 dự án cầu kết nối qua sông Đồng Nai để kết nối qua tỉnh Bình Dương nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu kết nối vùng. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy hoạch các tuyến đường kết nối từ các cầu với khu vực đô thị của địa phương…
Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 được huyện xác định là một trong những đột phá. Vậy địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
- Thời gian qua, công tác phát triển du lịch được huyện triển khai thực hiện từng bước hiệu quả. Đặc biệt, huyện đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù địa phương gắn với việc thực hiện các chương trình, dự án khoa học - công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp. Cũng nhờ vậy mà các sản phẩm từ bưởi Tân Triều; nhung hươu, nai Hiếu Liêm hay thủy sản từ hồ Trị An… đã trở thành thương hiệu được nhiều du khách biết đến.
Huyện cũng đã cập nhật các dự án du lịch vào quy hoạch sử dụng đất, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chú trọng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nhằm làm thay đổi diện mạo các tuyến đường, góp phần thu hút khách tham quan.
Huyện từng bước xây dựng và phát triển các loại hình du lịch mang tính đặc trưng của địa phương như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái rừng, du lịch sinh thái hồ, du lịch văn hóa - lịch sử. Trên địa bàn huyện đã hình thành 37 tuyến du lịch sinh thái rừng kết hợp đạp xe, đi bộ xuyên rừng và các hoạt động du lịch sinh thái hồ… đã thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Đó thực sự là những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng phải thừa nhận rằng du lịch phát triển vẫn chưa thật sự xứng với tiềm năng, nguyên nhân do đâu, thưa đồng chí?
- Phải thừa nhận rằng, du lịch trên địa bàn phát triển vẫn chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch trên địa bàn. Đó là chưa có cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai liên quan đến rừng, hồ Trị An, đất nông nghiệp; Đề án du lịch của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chưa được phê duyệt nên không thể kêu gọi được các nhà đầu tư tiềm năng, các dự án lớn không thể triển khai. Hạ tầng giao thông được quan tâm xây dựng nhưng chưa kết nối được với các tuyến quốc lộ nên việc gắn kết các khu, điểm du lịch lân cận không thực hiện được…
Thời gian tới, huyện sẽ nỗ lực tháo gỡ các khó khăn. Đồng thời, huyện cũng mong muốn Đề án Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sớm được phê duyệt nhằm làm cơ sở thuê dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch huyện. Các khó khăn về trình tự, thủ tục đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân ở khu vực ven hồ Trị An; khó khăn trong việc làm du lịch trên đất nông nghiệp… sớm được được hướng dẫn, tháo gỡ.
Thưa đồng chí, nửa nhiệm kỳ còn lại, địa phương đã xác định các giải pháp trọng tâm nào để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra?
- Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề đã được ban hành. Đó là các nghị quyết về: huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; về tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng H.Vĩnh Cửu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật bản địa... Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và khai thác tốt nguồn thu trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Địa phương cũng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng chất lượng các tiêu chí trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đảm bảo tính kế thừa giai đoạn 2020-2025. Tập trung thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên mới...
Xin cảm ơn đồng chí!
Hồ Thảo (thực hiện)