Thực hiện Dự án 6 tại Bình Định: Những khó khăn cần tháo gỡ

Bình Định là một tỉnh duyên hải miền Trung có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H'rê. Công tác chăm lo mọi mặt về kinh tế - văn hóa - xã hội là nhiệm vụ được các cấp chính quyền quan tâm hàng đầu.

 Trưng bày ảnh với chủ đề “Văn hóa dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Vân Canh - Bản sắc và tiềm năng”. Ảnh: Đ.N

Trưng bày ảnh với chủ đề “Văn hóa dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Vân Canh - Bản sắc và tiềm năng”. Ảnh: Đ.N

Đặc biệt, địa phương đã dành nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Tính đến thời điểm này, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương hoàn thành nhiều nội dung của Dự án 6 tại những địa phương tập trung đông đồng bào dân thiểu số (DTTS) sinh sống.

Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa, khu thể thao thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi được xem là một trong những nội dung thiết thực. Đã có 17 nhà văn hóa, khu thể thao tại các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh có được trang thiết bị mới. Các phương tiện này sẽ giúp cho các thiết chế văn hóa có thêm điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao trong cộng đồng được phong phú và sinh động hơn, thu hút được bà con tham gia.

Công tác tập huấn xây dựng mô hình xây dựng đời sống văn hóa là một trong những hoạt động có hiệu quả mang tính thiết yếu và lâu dài đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng DTTS. Trong tháng 12, Bình Định đã thực hiện được 2 buổi tập huấn quy mô ở huyện An Lão và Vĩnh Thạnh.

Tại huyện An Lão, ngày 20/12, Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định phối hợp Ban Dân tộc và UBND huyện An Lão đã tổ chức lớp tập huấn xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Hrê ở xã An Trung. Gần 100 học viên là nghệ nhân, đồng bào Hrê ở địa phương này được tiếp nhận nhiều thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS.

Những thành viên tham dự tập huấn còn được truyền dạy các kỹ năng trình diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Hrê đang có nguy cơ mai một như: diễn tấu chiêng 3, chiêng 5, đánh goong, đàn v'roac, p'răng, đàn vinh-vú, tiêu ta-lía, hát dân ca Hrê, múa xoang…

Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào Bana xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Đ.N

Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào Bana xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Đ.N

Vào ngày 23/12, UBND xã Vĩnh Kim và Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức tập huấn xây dựng mô hình xây dựng đời sống văn hóa và hướng dẫn về phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Bana, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh những thông tin giúp bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng thì các kỹ, phương pháp xây dựng kịch bản và phương pháp dàn dựng, tập luyện chương trình văn nghệ truyền thống là những nội dung thiết thực. Bởi đây sẽ là nền tảng để địa phương có thể tổ chức tốt các hoạt động lễ hội cũng như phục dựng lễ hội, mang lại nét đẹp, sự phong phú và sinh động hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Từ đó góp phần phát huy giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương, tạo nên những giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS.

Cũng với định hướng trên, vừa qua đã có 2 nội dung lễ hội và làng nghề tiêu biểu được địa phương nỗ lực phục dựng và hỗ trợ phát triển để phục vụ du lịch. Đó là phục dựng lễ hội Thần Làng (Quai yang cham), một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa người Chăm H'roi ở khu phố Hiệp Hà Trị Trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Kế đến là Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh.

Sở VH&TT tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Vân Canh tổ chức tái hiện Lễ hội thần làng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi huyện Vân Canh

Sở VH&TT tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Vân Canh tổ chức tái hiện Lễ hội thần làng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi huyện Vân Canh

Cùng với sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp mang lại những kết quả khích lệ trong công tác triển khai dự án 6 tại tỉnh Bình Định, cũng như hiệu quả tích cực cho những đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Dự án 6 cũng gặp khó khăn rất lớn do đối tượng thụ hưởng có nhiều đặc thù riêng. Nhân sự tham gia thực hiện công tác triển khai còn kiêm nhiệm nhiều công việc. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục triển khai dự án gồm nhiều bước, văn bản hướng dẫn thực hiện và quy định thủ tục thanh quyết toán phải dẫn chiếu nhiều văn bản khiến cho chậm tiến độ.

Do chưa có sự thống nhất trong một số văn bản hướng dẫn nên việc hỗ trợ tủ sách chỉ dừng ở cấp xã, không triển khai được ở cấp thôn. Đối với nhiệm vụ hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, mức kinh phí hỗ trợ trang thiết bị tối đa 30 triệu đồng cho một nhà văn hóa hoặc khu thể thao cấp thôn. Theo địa phương, đây là mức hỗ trợ rất thấp, trong khi đó trang thiết bị nhà văn hóa hoặc khu thể thao cấp thôn trên địa bàn còn thiếu so với nhu cầu và tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khôi Vũ

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-hien-du-an-6-tai-binh-dinh-nhung-kho-khan-can-thao-go-20241227140702441.htm