Thực hiện giấc mơ của phụ nữ biên cương
Xác định việc bảo vệ, chăm lo, chia sẻ với những khó khăn của chị em phụ nữ tại các vùng biên giới, hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, nhiều năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ chị em cùng phát triển.
Trong số này có chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được tổ chức hàng năm, đã giúp thực hiện giấc mơ cho nhiều phụ nữ sống ở vùng biên giới.
Nuôi giấc mộng thoát nghèo
11 giờ trưa, nắng trên vùng núi xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) như đổ lửa. Ông Hồ Văn Thanh trên đường đi rẫy về ghé vào giếng nước cộng đồng mở vòi rửa mặt. Từng vốc nước mát thấm vào gương mặt cằn cõi, đen nhẻm của người đàn ông vùng núi biên giới Việt - Lào, giúp ông thấy mình được lại sức. Với người dân nơi đây, nguồn nước sạch chỉ có từ suối, nhưng vào mùa nắng nóng các con suối đều cạn khô. Để có nước sạch, vào sáng sớm, khi đàn ông trong bản lên rẫy thì phụ nữ tất bật chuẩn bị cho chuyến đi xa lên thượng nguồn con suối để lấy nước. “Bây giờ đã có nước sạch từ giếng thế này thật tiện lợi cho chúng tôi”, ông Thanh vui mừng chia sẻ.
Giếng nước cộng đồng được đặt ở nơi không chỉ thuận lợi cho người lớn, mà cả trẻ nhỏ khi đi học về đều có thể ghé đến tắm hay rửa sạch chân tay. Từ ngày có giếng nước do Hội LHPN TPHCM trao tặng, cứ chiều đến, trẻ con trong thôn A Bung (xã A Bung) lại tập hợp về khu vực giếng để tắm rửa, nô đùa. Còn những người phụ nữ thì vui mừng khi không phải đi thật xa để giặt giũ, gùi từng can nước như trước đây.
Không chỉ giếng nước sạch, người dân 2 xã A Bung, A Ngo (huyện Đakrông) còn được trao tặng phương tiện để mưu sinh thoát nghèo. Cầm sợi dây cột con bò được trao từ tay bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, chị Hồ Thị Sao My xúc động: “Tôi hạnh phúc quá, ước mơ bấy lâu nay của vợ chồng tôi đã thành hiện thực”.
Với người phụ nữ dân tộc Pa Cô ấy, con bò được hỗ trợ chính là một gia tài lớn mà bấy lâu nay chị mơ ước. Từ 2 tuần trước, khi hay tin gia đình được Hội LHPN TPHCM tặng bò, chị Sao My và chồng đã đi chặt cây rừng, tre trên rẫy về làm một cái chuồng thật to, có thể chứa đến 5 con bò. Chị Sao My bảo, vợ chồng chị sẽ nuôi dưỡng và nhân con bò được tặng lên 2 con, rồi sau đó dần lên 10 con.
Để chuẩn bị cho hành trình ấy, anh Hồ Văn Thia (chồng chị Sao My) đã tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức. Anh còn mày mò học kinh nghiệm từ các anh bộ đội biên phòng. “Có kiến thức, tôi sẽ nuôi con bò này tốt hơn. Rồi khi thành công, tôi sẽ hướng dẫn lại cho người dân trong thôn để ai cũng có thể khá hơn”, anh Thia nói về dự tính cho tương lai.
Cùng phụ nữ biên cương tiến bước
Nhằm động viên, góp phần giúp đỡ các gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt và các hộ nghèo tại vùng biên giới Việt - Lào, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2020 do Hội LHPN TPHCM phối hợp Bộ đội Biên phòng TPHCM và Hội Chữ thập đỏ TP tổ chức đã trao tặng 10 con bò giống cho các chị phụ nữ nghèo. Chương trình cũng xây 4 giếng nước cộng đồng tại 2 xã A Bung và A Ngo để người dân có nguồn nước sạch sử dụng; xây 20 nhà vệ sinh cho gia đình hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN TPHCM và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã có 3 năm phối hợp thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Qua đó, Hội LHPN TPHCM hỗ trợ xây dựng 7 mái ấm tình thương, 40 nhà vệ sinh, 6 giếng nước công cộng, 2 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chăn nuôi cùng phương tiện sinh kế và tặng quà hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo tại các xã vùng biên giới tại tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí thực hiện gần 1,7 tỷ đồng.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cũng trao tặng Đồn biên phòng Lalay và hộ gia đình 120 hộp y tế sơ cấp cứu; trao 300 phần quà là các mặt hàng nhu yếu phẩm (áo khoác, mền bông, dép, nước mắm, nước tương, hạt nêm, dầu gội, bột giặt…) cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã A Bung và A Ngo. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 730 triệu đồng.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, ngay khi Hội LHPN Việt Nam phát động chương trình, Hội LHPN TPHCM đã tích cực triển khai thực hiện tại các tỉnh biên giới như Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai… Riêng tại tỉnh Quảng Trị, hội đã có sự kết hợp thường xuyên trong 3 năm qua, huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ và người dân các xã biên giới để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
“Chương trình cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương các xã vùng biên giới. Từ sự trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, nay người dân đã hợp tác, chung tay cùng chính quyền thực hiện và gìn giữ các công trình. Hội LHPN TPHCM, Bộ đội Biên phòng và Hội Chữ thập đỏ TPHCM sẽ cùng nắm tay các chị em phụ nữ 2 xã A Bung và A Ngo đi tiếp chặng đường phía trước. Chúng tôi sẽ không để chị em phụ nữ bị bỏ lại phía sau, đúng như mục đích, ý nghĩa của chương trình, cũng như điều Bác Hồ mong muốn”, bà Phượng Trân nhấn mạnh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuc-hien-giac-mo-cua-phu-nu-bien-cuong-673721.html