Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 8/11, theo dõi phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Nam Định đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đất nước trong thời gian qua.

Thích ứng linh hoạt, phù hợp

Chủ tịch UBND huyện Ý Yên (Nam Định) Nguyễn Tuấn Song trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Ý Yên (Nam Định) Nguyễn Tuấn Song trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) Nguyễn Tuấn Song cho rằng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế của cả nước. Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến mọi mặt, thể hiện rõ nhất là ở đời sống, việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn... Từ thực tiễn đó, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, là cơ sở quan trọng cho các địa phương thực hiện và hoàn thành mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2021 với 2 đợt dịch vào giữa tháng 5 và từ ngày 17/10 đến nay, với tổng số 168 ca mắc ở 20 xã, thị trấn, song, huyện đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bám sát thực tế để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Ngay khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn xã Yên Cường vào ngày 13/5, cơ quan chức năng huyện đã rà soát, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình, các nguy cơ dịch bệnh và quyết định cách ly, phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất, có mục tiêu, lộ trình, giải pháp phù hợp, hiệu quả, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, dỡ bỏ phong tỏa. Quán triệt tinh thần này, tại các khu dân cư ghi nhận ca bệnh, huyện tiến hành phong tỏa hẹp nhất có thể, đảm bảo không lây lan dịch và ổn định cuộc sống, sản xuất.

Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, đảm bảo môi trường an toàn cho phát triển kinh tế, huyện cũng chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, khai thác thế mạnh làng nghề, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế. Huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư... Nhờ đó, dự kiến, năm 2021 huyện vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 324 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp

Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho rằng trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, phù hợp theo giai đoạn, từng năm, phù hợp với từng vùng, miền, làm cơ sở để thống nhất thực hiện, đảm bảo phát huy hiệu quả cao.

Thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhân dân, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chịu tác động lớn của dịch bệnh; ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang hoạt động, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách, chủ trương thu hút đầu tư, kêu gọi nguồn lực, xây dựng hạ tầng, nguồn lao động đảm bảo quy định, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ hiện đại, đóng góp cho nền kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho lao động. Cùng với đó, các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương duy trì hoạt động lưu thông, vận tải hàng hóa thông suốt, an toàn, tránh tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ. Thực tế vừa qua cho thấy, có những thời điểm do các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt hoạt động vận tải, lưu thông để phòng dịch, các mặt hàng nông sản tại Nam Định gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giảm giá bán, thiệt hại lớn cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, để phát huy giá trị các dự án đầu tư, nhất là đầu tư công, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá toàn diện tính hiệu quả, khả năng khai thác, sử dụng của dự án; trong đó, cần ưu tiên cho các dự án trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, những dự án, công trình phục vụ đời sống người dân như: đầu tư nâng cấp cơ sở y tế, trang bị thêm trang thiết bị, phương tiện y tế cho địa phương, vùng còn nhiều khó khăn, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thuc-hien-hieu-qua-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20211108194602796.htm