Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy

Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 31.8.2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 47. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ gia đình trong công tác PCCC theo quy định, đồng thời tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với những cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ.

Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với Công an tỉnh tham mưu với UBND tỉnh xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC; chế tài xử lý đối với loại hình cơ sở không bảo đảm tiêu chuẩn quy định an toàn về PCCC được xây dựng và đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực, hoàn thành trong năm 2021; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của địa phương; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp xây dựng giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC; trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhất là kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu...

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh khẩn trương hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC và đưa vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong trường, các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học theo quy định của Luật PCCC bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải xác định công tác PCCC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn PCCC với thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế-xã hội tại các đơn vị, địa phương. Trong công tác PCCC, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC sâu rộng, với phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành.

UBND các cấp phải bảo đảm ngân sách cho hoạt động PCCC và lực lượng cảnh sát PCCC, lực lượng công an xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật PCCC và quy định khác...

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-ninh-trat-tu/thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chay-chua-chay-128021