Thực hiện hiệu quả phương châm '4 tại chỗ' trong phòng, chống lụt bão

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều tối 27/10, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở huyện Lệ Thủy.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở huyện Lệ Thủy.

Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có mưa to, tổng lượng mưa có nơi đạt gần 600mm, trọng điểm mưa tại các xã Thái Thủy, Kim Thủy, Trường Thủy. Tính đến 18 giờ ngày 27/10, lượng mưa đo được vượt xa so với năm 2020, nếu tiếp tục mưa lớn sẽ gây ngập lụt trên diện rộng.

Huyện đã tiến hành sơ tán, di dời 89 hộ, 333 nhân khẩu tại các vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở, bố trí các điều kiện phục vụ đời sống nhân dân. Tính đến 18 giờ ngày 27/10, toàn huyện có khoảng 300 nhà dân bị ngập lụt.

Lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy báo cáo tình hình mưa lũ trên các địa bàn.

Lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy báo cáo tình hình mưa lũ trên các địa bàn.

Nhiều tuyến đường đã bị ngập như đường 30, đường An Sơn, đường về Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các tuyến đường trên trục Đông-Tây; nhiều địa bàn bị chia cắt nên việc tiếp cận để chỉ đạo công tác ứng phó của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện đã chủ động triển khai các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, thông báo khẩn cho các địa phương về tình hình mưa lũ và triển khai các phương án ứng phó; ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo để các địa phương, người dân chủ động thực hiện, ứng phó; trực ban 24/24 giờ để xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh; đồng thời chỉ đạo Điện lực Lệ Thủy không tiến hành cắt điện cục bộ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Mực nước trên các sông ở Lệ Thủy đang lên cao.

Mực nước trên các sông ở Lệ Thủy đang lên cao.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy, các ban, ngành liên quan đã thông tin về tình hình ứng phó mưa lũ, trong đó huy động lực lượng tại chỗ để sơ tán người dân đến nơi an toàn; phát cảnh báo để người dân chủ động ứng phó; rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở đất; hỗ trợ địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng để tìm kiếm cứu nạn…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Lệ Thủy và các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tập trung lực lượng và phương tiện cho công tác phòng, chống, nhất là các xã vùng trũng.

Người dân huyện Lệ Thủy đưa các phương tiện xe máy lên các cây cầu để tránh ngập lụt.

Người dân huyện Lệ Thủy đưa các phương tiện xe máy lên các cây cầu để tránh ngập lụt.

Đồng chí đề nghị, huyện Lệ Thủy tiếp tục triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chỉ đạo các xã rà soát lại các công việc, hỗ trợ các gia đình trong công tác di dời, nhất là gia đình vùng thấp, neo đơn. Các lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng sẵn sàng lực lượng, trong đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là đầu mối, thường xuyên giữ liên lạc để kịp thời điều động lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ người dân, trước mắt, tập trung cho vùng trọng điểm lũ lụt Lệ Thủy.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lên phương án hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mất tích. Tuyên truyền người dân không chủ quan, không bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lớn. Ngay khi lũ rút, cần chú trọng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Lệ Thủy.

Tại huyện Quảng Ninh, theo báo cáo của UBND huyện, địa phương đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các đơn vị, xã, thị trấn theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống. Sẵn sàng thực hiện phòng, chống lũ, lụt xảy ra và xây dựng kế hoạch phòng, chống các loại thiên tai khác.

Huyện đã huy động tối đa tàu thuyền sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ kịp thời. Huy động cán bộ, công chức cơ quan ban, ngành, đoàn thể; kiểm tra, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu. Rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh.

Sau khi nắm tình hình cụ thể, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, huyện Quảng Ninh cần chủ động triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống thiên tai; nhất là mưa lớn gây ngập lụt các địa bàn thấp trũng; các điểm sạt lở, xung yếu; bảo đảm an toàn cung cấp điện, thông tin thông suốt.

Các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, huy động lực lượng, phương tiện, bám chắc địa bàn, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; bảo đảm an toàn cho người dân.

A.Tuấn

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/thuc-hien-hieu-qua-phuong-cham-4-tai-cho-trong-phong-chong-lut-bao-2221918/