Thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán vẫn còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện. Thậm chí, nhiều kiến nghị kiểm toán đã 'treo' qua nhiều năm với số tiền đọng lại hàng nghìn tỷ đồng, nhiều điểm nghẽn cơ chế, chính sách chưa được khơi thông…

Nỗ lực đôn đốc, thực hiện kiến nghị kiểm toán

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị khi kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.

Theo TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) cho biết: “Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Việc chấp hành kiến nghị kiểm toán chính là thể hiện tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật. Các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực thi còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quốc gia; hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia…”.

 Kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện kiểm toán tại địa bàn

Kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện kiểm toán tại địa bàn

Đặc biệt, kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

Theo ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN): Điều 7 Luật KTNN 2015 nêu rõ: Báo cáo kiểm toán của KTNN được lập để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Sau khi phát hành và công khai, các kết luận, kiến nghị “có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Từ giá trị pháp lý đã được ghi nhận trong Luật KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan, các kết luận, kiến nghị kiểm toán cần phải được tôn trọng, thực hiện nghiêm, kịp thời.

Xác định rõ điều này, trong những năm qua, KTNN đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hằng năm, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán, KTNN còn lồng ghép nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán...

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước đã quán triệt công khai kết quả kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng. Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm hàng năm đều được công khai ngay trên Cổng Thông tin điện tử của KTNN.

Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, các bộ, ngành, địa phương cũng ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị của KTNN; thông qua đó để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không ngừng được nâng cao, với tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước

Đơn cử, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với ngân sách tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2018 luôn đạt bình quân 95%/năm. Tại tỉnh Nghệ An, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với tỷ lệ trung bình đạt khoảng 85% (từ năm 2020 đến năm 2022)…

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, tỉnh luôn phối hợp với KTNN khu vực II trong quá trình triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh. Sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Nâng tầm kiến nghị kiểm toán, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế…, song cả KTNN và Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các Đại biểu Quốc hội, đơn vị được kiểm toán cũng cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.

 Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn chủ trì họp bàn về phương án kiểm toán

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn chủ trì họp bàn về phương án kiểm toán

Chia sẻ vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, theo quy định của Luật KTNN, KTNN đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù ngành đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.

Cùng với đó, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán… KTNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận, kiến nghị rõ ràng, khả thi; đồng hành với các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: Kết luận, kiến nghị KTNN đưa ra là có bằng chứng, chứng minh bằng cơ sở pháp lý. Song, bằng chứng ấy phải làm sao để đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán thực sự tâm phục, khẩu phục. Khi đó, kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện một cách tự nguyện, tự giác và đơn vị cũng thấy được cái sai, khiếm khuyết của mình, thấy được những việc cần làm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị KTNN cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; công khai kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: Công khai, minh bạch là “vũ khí” hiệu quả nhất của hoạt động kiểm toán.

Có thể thấy, mọi giải pháp nhằm đổi mới, từ đó nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị đều bắt nguồn từ yếu tố con người, trong đó, người đứng đầu đóng vai trò then chốt. Do đó, để thực sự tạo chuyển biến trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, với sự vào cuộc rất quyết liệt của Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ trong việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai các kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải quyết các vấn đề vướng mắc và thực hiện bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật - đã mang lại những kết quả hết sức tích cực trong thời gian gần đây.

Đồng tình quan điểm trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở những cơ quan, đơn vị nào, cấp ủy và người đứng đầu quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì ở nơi đó kết quả thực hiện rất cao; thậm chí có những địa phương ngay trong năm liền kề đã thực hiện 100% các kiến nghị kiểm toán”.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến việc xem xét, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt chính sách do mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý. Khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra rất đúng đắn, rất giá trị, được phát hiện thông qua thực tiễn cuộc sống thì phải được khắc phục giúp khơi thông những điểm nghẽn chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-kiem-toan-giup-khoi-thong-nguon-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-post291031.html