Thực hiện khai báo y tế tự nguyện: Vì mình, vì cộng đồng

Từ ngày 10-3, việc thực hiện khai báo y tế tự nguyện - một nỗ lực, giải pháp trong giai đoạn mới của công tác phòng, chống dịch Covid-19, chính thức được thực hiện. Biện pháp này, cùng với việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh, là cần thiết, hữu ích cho giai đoạn mới của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc thực hiện khai báo y tế, trong phiên họp ngày 8-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ.

Đến chiều 9-3, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Y tế ra mắt 2 ứng dụng (app), gồm ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam trong nước và ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh Việt Nam. Đây là hệ thống giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát tối đa tình hình xuất - nhập cảnh, kiểm soát dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp. Việc khai báo y tế với người dân trong nước tương tự việc áp dụng khai báo y tế với người nhập cảnh, bao gồm thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe, thông tin dịch tễ...

Tính từ 0h ngày 7-3 đến 12h ngày 10-3, hệ thống khai báo y tế điện tử Vietnam Health Declaration do Viettel cung cấp đã có 36.775 hồ sơ được khai báo. Ứng dụng này hiện đang triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không phục vụ việc khai báo y tế với người nhập cảnh vào Việt Nam. Phản hồi từ một số người dân thực hiện khai báo ngày đầu cho thấy có hiện tượng trục trặc khi nhập thông tin. Tuy nhiên, mọi vấn đề phát sinh trong ngày đầu đã nhanh chóng được các đơn vị chức năng xử lý và đến sáng nay (11-3), hệ thống đã cơ bản vận hành thông suốt.

Thực tế công tác dịch tễ nói chung, hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói riêng cho thấy, đây là một giải pháp hữu ích, có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả phòng, chống dịch và tương lai sức khỏe cộng đồng. Thông tin khai báo y tế sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng để cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch Covid-19, từ đó phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Nói cách khác, thông tin từ cộng đồng, từ từng cá nhân (có liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp dịch bệnh) có ý nghĩa rất quan trọng. Chẳng hạn, trong “giai đoạn 1” của công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhờ kiểm soát tốt thông tin của người di chuyển, trở về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ đã có những chỉ đạo phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; Bộ Y tế, tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương đã khống chế thành công, không để dịch lây lan rộng.

Và mới đây, ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19 thứ 17 trên địa bàn Hà Nội, từ thông tin của bệnh nhân, thành phố đã tận dụng triệt để khoảng "thời gian vàng" để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bằng việc nhanh chóng khoanh vùng, rà soát, tổ chức cách ly những người tiếp xúc với bệnh nhân này, đưa ra các giải pháp kịp thời.

Dịch bệnh, với trường hợp cụ thể ở đây là Covid-19, là một dạng sự cố/vấn đề sức khỏe cộng đồng. Khác cách tiếp cận lâm sàng với từng trường hợp ca bệnh đơn lẻ, việc tiếp cận, xử lý dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng. Bởi lẽ, tính chất của dịch bệnh là mức độ lây lan cao, nguy cơ nhiều người mắc lớn, kèm theo đó việc can thiệp y tế, xử trí, điều trị phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực. Các giải pháp, trong phòng, chống dịch bệnh, nguồn lực từ Chính phủ, cơ quan chức năng là chưa đủ và sự tham gia của cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự tham gia của một cá nhân - nhất là những người có nguy cơ cao (đi qua, ở vùng dịch…) chưa bao giờ lại có ảnh hưởng lớn như bây giờ do sự thuận lợi về giao thông, điều kiện làm việc, độ mở của các nền kinh tế… Ý thức của mỗi người thông qua việc khai báo y tế, vì thế, có ý nghĩa rất lớn trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19".

Điều cần nói thêm ở đây, nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm là lấy phòng bệnh làm chính, trong đó thông tin, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu và kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính.

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ cần sự phối hợp liên ngành và huy động xã hội, mà còn phải lồng ghép cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Khai báo y tế trung thực, đầy đủ cũng là yêu cầu đặt ra trong hệ thống văn bản pháp quy. Cho nên, có thể xem khai báo y tế không chỉ là trách nhiệm, mà còn là “quyền lợi”, bởi gắn liền lợi ích chung, sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện khai báo y tế chính là vì mình, vì cộng đồng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Người dân hoàn toàn yên tâm bởi thông tin sức khỏe cá nhân được bảo mật và chỉ sử dụng vào mục đích hỗ trợ cộng đồng. Sự cộng tác, hợp tác đầy đủ từ từng người dân là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ, đưa ra giải pháp hiệu quả từ sớm, qua đó ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19 thành công.

Thế Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/960767/thuc-hien-khai-bao-y-te-tu-nguyen-vi-minh-vi-cong-dong