Thực hiện khâu đột phá trong phát triển kinh tế
Một trong những khâu đột phá được Đảng bộ xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn lựa chọn để lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển một số mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Sau hơn 2 năm thực hiện, nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cà phê, cây ăn quả và điều đáng ghi nhận, là sự thay đổi phương thức canh tác của bà con nông dân trong việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập.
Đồng chí Sồng A Chu, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã có 222 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ. Thực hiện khâu đột phá “Phát triển một số mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, hằng năm, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả, cà phê, chuyên canh theo hướng hữu cơ gắn với phát triển HTX liên kết tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên hằng tháng về dự sinh hoạt cùng các chi bộ bản, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững.
Về bản Nà Hạ, điều dễ nhận thấy là những vườn cà phê, cây ăn quả xanh tốt, sai trĩu quả. Anh Hoàng Văn Vui, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản có trên 80 hộ, 395 nhân khẩu; Chi bộ có 30 đảng viên. Trên cơ sở đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng, Chi bộ tập trung lãnh đạo, định hướng cho nhân dân phát triển cây cà phê và một số cây ăn quả; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn. Bản đã liên kết với Công ty CP Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, thực hiện trồng tái canh cây cà phê. Đồng thời, Công ty bao tiêu sản phẩm cà phê cho nhân dân. Hiện nay, cả bản trồng 133 ha cà phê, năng suất đạt trên 20 tấn/ha; 12 ha xoài, 7 ha mận hậu trồng xen cà phê. Thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm. Cả bản còn 21 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo.
Đảng viên Lò Văn Biên, Chi bộ bản Nà Hạ là một trong những hộ tiên phong trồng cà phê theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn. Ông Biên chia sẻ: Toàn bộ 3 ha cà phê của gia đình sử dụng phân chuồng, hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học; áp dụng kỹ thuật bấm ngọn, tỉa cành... Hằng năm, thu hoạch trên 70 tấn quả cà phê tươi, được Công ty CP Phúc Sinh bao tiêu sản phẩm, giá trung bình 14.000 đồng/kg, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Tại bản Ớt Chả, cùng với tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất cà phê, chi bộ, Ban quản lý bản còn vận động thành lập HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê cho nhân dân. Ông Lường Văn Phong, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản có 100 hộ, nhà nào cũng trồng cà phê với tổng diện tích hơn 115 ha. Tháng 3/2023, bản thành lập HTX cà phê Nà Ớt, gồm 18 thành viên, liên kết với Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến trồng hơn 19 ha cà phê theo hướng hữu cơ, được cán bộ Công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho HTX và nhân dân trong bản.
Đến nay, xã có hơn 1.000 ha cây cà phê, sản lượng trên 2.500 tấn quả tươi/năm và 428 ha cây ăn quả. Chăn nuôi được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư theo mô hình trồng cỏ nuôi nhốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổng đàn gia súc đạt trên 1.000 con; gia cầm đạt trên 12.000 con. Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nhân dân.
Đồng chí Sồng A Chu, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết thêm: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn trên 40%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 13 triệu đồng/năm, tiếp tục thực hiện khâu đột phá, Đảng bộ xã Nà Ớt tiếp tục chỉ đạo nhân dân chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây cà phê gắn với thành lập HTX, liên kết các hộ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây cà phê của xã đạt trên 1.200 ha; duy trì và mở rộng diện tích cây ăn quả; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 75 tỷ đồng.