Thực hiện 'mục tiêu kép':Trong bối cảnh hiện nay cần ưu tiên vấn đề chống dịch trước
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ kiên định với mục tiêu kép là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay cần ưu tiên vấn đề chống dịch trước, để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế.
Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, trọng tâm của “mục tiêu kép” sẽ kiên trì, kiềm chế đẩy lùi có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế.
Chính phủ kiên định với mục tiêu kép là điều cần thiết.
Để làm được điều này, Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc-xin phòng Covid-19, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng.
Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định và cần duy trì hằng năm để thoát khỏi đại dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các KCN, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.
Ngoài ra, Chính phủ thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Tập trung rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu công-ten-nơ; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thế nhưng, một số ý kiến quan ngại, việc triển khai “mục tiêu kép” của Chính phủ đưa ra, sẽ là rào cản cho sự phát triển kinh tế. Ví dụ, việc hạn chế nhập cảnh, thắt chặt an ninh cửa khẩu, hoặc giãn cách xã hội đều ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về điều này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định: Việt Nam bắt buộc phải thực hiện “mục tiêu kép”, để dung hòa việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM đang rơi vào thế khó khăn, thì trong 1 - 6 tháng tới, nên ưu tiên chống dịch, thay vì đẩy mạnh phát triển kinh tế.
“Đại dịch Covid-19 đã đánh vào nền kinh tế, gây thiệt hại nặng nhất từ trước tới nay. Nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế sẽ “vỡ toang”. Trong một kịch bản xấu nhất, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể rơi vào khoảng 3% - 4%. Nếu xấu hơn nữa, có thể giống như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay như “người hàng xóm” Campuchia”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trở lại vấn đề thực hiện “mục tiêu kép”, theo ông Hiếu, để thành công, điều quan trọng nhất chính là tiêm chủng toàn quốc.
“Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam chậm quá. Hiện tại, số người tiêu chủng đầy đủ 2 mũi, được xem là 98% an toàn mới chỉ đạt tỷ lệ 0,3% - 0,5% trên tổng dân số. Từ con số này, để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng 70% - 80% tổng dân số còn rất xa, có thể trong năm nay chưa thể thực hiện được”, ông Hiếu thẳng thắn chia sẻ.
Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn dân. Đồng thời, ông Hiếu kiến nghị, Chính phủ nên có vai trò, trong vấn đề yêu cầu quân đội chống dịch.
Theo ông Hiếu, trong thời gian qua, quân đội đã làm rất tốt trong việc hỗ trợ chống dịch, bằng cách xây dựng các bệnh viện dã chiến, hoặc tham gia một số vấn đề giữ gìn an ninh trật tự.
Tuy nhiên, quân đội vẫn có hệ thống quân y, sinh viên ngành quân y, nhưng chưa tham gia vào vấn đề tiêm chủng. Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu mong quân đội tham gia mạnh mẽ hơn trong vấn đề chống dịch.
Đồng tình với quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Mục tiêu kép chúng ta vẫn phải thực hiện, vừa đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu kép có thể thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực nên ưu tiên chống dịch, hay phát triển kinh tế trước".