Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Quan Hóa

Huyện vùng cao Quan Hóa có 2 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống là bản Suối Tôn, xã Phú Sơn và bản Buốc Hiềng, xã Trung Thành, trong đó bản Suối Tôn với 82 hộ và hơn 468 nhân khẩu; bản Buốc Hiềng với 4 hộ và 27 khẩu.

Nhờ thay đổi được những hủ tục, đời sống người dân ở bản Suối Tôn, xã Phú Sơn đã đổi thay, các em học sinh chăm chỉ đến trường học con chữ. Ảnh: T.L

Nhờ thay đổi được những hủ tục, đời sống người dân ở bản Suối Tôn, xã Phú Sơn đã đổi thay, các em học sinh chăm chỉ đến trường học con chữ. Ảnh: T.L

Xóa bỏ những tập tục lạc hậu

Đồng bào Mông ở huyện Quan Hóa đều sinh sống tại những khu vực miền núi địa hình cao, diện tích đất canh tác ít, điều kiện khí hậu ít thuận lợi, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Điều kiện kinh tế - xã hội của 2 bản Suối Tôn và Buốc Hiềng nhìn chung khá thấp so với mặt bằng chung của cả huyện. Tuy nhiên, trong những năm qua cùng với chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và chính quyền địa phương, đời sống của 2 bản người Mông có nhiều thay đổi tích cực. Đồng bào dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong sản xuất, đời sống, đặc biệt trong tang lễ, cưới hỏi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, hàng năm UBND huyện Quan Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền. UBND huyện chỉ đạo 2 xã Phú Sơn và Trung Thành quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông cấp xã, bản. Các tổ tuyên truyền, vận động ở các bản có đồng bào Mông sinh sống được thành lập và hoạt động thường xuyên. Việc tuyên truyền được triển khai thực hiện tại các bản với các hình thức như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt bản; tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, hệ thống phát thanh - truyền hình từ huyện tới cơ sở... đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Suối Tôn đã có đường giao thông bê tông; có điểm trường mầm non, tiểu học; số hộ nuôi nhiều trâu, bò cũng tăng lên. Đặc biệt, trong thực hiện tang lễ theo nếp sống văn hóa mới, bà con bản Suối Tôn đã thay đổi nếp nghĩ rất nhiều so với trước đây. Bí thư chi bộ bản Giàng A Chu chia sẻ: Trước đây, theo tập tục của người Mông, người mất không đưa vào quan tài, để dài ngày trong nhà, tổ chức ăn uống, giết nhiều trâu bò để báo hiếu với người mất. Tuy nhiên, được cán bộ các cấp tuyên truyền về ý nghĩa của việc đưa người mất vào quan tài cũng như học hỏi tổ chức đám tang theo nếp sống văn hóa mới ở những bản Mông khác, bà con bản Suối Tôn thấy cần phải thay đổi để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm. Hiện, bà con trong bản đã thay đổi được quan niệm trong thực hiện ma chay, cưới hỏi.

Hiện nay, bản đã tìm được đất quy hoạch nghĩa địa với diện tích 2ha của 5 hộ dân, hầu hết các hộ dân đã đồng ý nhường đất cho bản thực hiện nghĩa địa, tuy nhiên địa phương chưa có nguồn kinh phí bồi thường cho các hộ nhường đất, nhường cây trồng trên đất. Bí thư chi bộ Giàng A Chu mong muốn Nhà nước, cấp trên hỗ trợ nguồn kinh phí bồi thường quy hoạch nghĩa địa của bản Suối Tôn để bản sớm có nghĩa địa, có nguồn kinh phí làm đường ra nghĩa địa góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện việc tang

Giai đoạn 2021-2023, huyện Quan Hóa tổ chức được 27 hội nghị tuyên truyền, trong đó có 9 hội nghị cấp xã, 18 hội nghị bản, huyện cũng lồng ghép trong các hội nghị chung của xã, của bản. Trong các năm 2022, 2024, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Quan Hóa tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Đối tượng tham dự hội nghị là cán bộ xã, thôn bản có đồng bào Mông cư trú và người dân tộc Mông thuộc bản Buốc Hiềng, xã Trung Thành và bản Suối Tôn, xã Phú Sơn. Các hủ tục trong đám tang của đồng bào Mông huyện Quan Hóa dần được xóa bỏ. Cải thiện trong nếp sống văn hóa mới như: Người mất được đưa vào quan tài, không để quá lâu. 100% trưởng dòng họ, trưởng bản, người có uy tín có cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định. 2/2 bản địa bàn người Mông sinh sống có hương ước, quy ước và thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Quan Hóa, đồng bào Mông tại địa phương có nhận thức đúng đắn và thực hiện đúng nếp sống văn hóa trong tang lễ, việc thực hiện được đưa vào hương ước, quy ước của thôn bản. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người Mông ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đồng bào Mông tích cực trong các phong trào XDNTM, giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội, cùng với địa phương góp phần vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa tại thôn bản. Việc thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ, vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe của Nhân dân được cải thiện. Công tác quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững tại địa phương, đồng bào Mông tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm phát triển sản xuất.

Hiện nay, huyện Quan Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức, niềm tin của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ, tự giác xóa bỏ các hủ tục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác vận động tuyên truyền; chủ động nắm bắt dư luận và tuyên truyền phù hợp hiệu quả. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền thường xuyên và định kỳ, tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Vận động hướng dẫn các hộ gia đình tại các cuộc họp thôn bản để trao đổi tư vấn công việc cụ thể trong việc tang lễ theo nếp sống văn hóa; phát huy vai trò của bí thư, trưởng thôn bản, người có uy tín, trưởng dòng họ... Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là UBND xã Phú Sơn và UBND xã Trung Thành. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông vào nghị quyết, kế hoạch hàng năm. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành, chính quyền 2 xã Phú Sơn và Trung Thành làm tốt công tác khảo sát, thực hiện quy hoạch nghĩa địa tập trung và làm đường đi ra nghĩa địa.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thuc-hien-nep-song-van-hoa-trong-tang-le-vung-dong-bao-mong-huyen-quan-hoa-32572.htm