Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang: Cách làm hiệu quả của Hữu Lũng

'Những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, với những cách làm hay, thiết thực, tạo sự lan tỏa ở các khu dân cư' - bà Hoàng Thị Hoài, Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định.

Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh tại nhà dân

Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh tại nhà dân

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, phòng đã tham mưu Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được đưa vào nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị và quy ước, hương ước của thôn, khu phố; là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa".

Theo đó, BCĐ huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; phê phán những hủ tục, phô trương, hình thức, lãng phí... bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở các khu dân cư; tổ chức gặp mặt các thầy mo, thầy tào để tuyên truyền, vận động… Từ năm 2020 đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã xây dựng trên 100 tin, bài, phóng sự; treo 110 băng rôn, 250 pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền.

Cùng đó, UBND các xã, thị trấn đã ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các văn bản cam kết để cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, các dòng họ, hộ dân thực hiện. Trưởng các thôn, khu phố trên địa bàn phối hợp với trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể phổ biến đến người dân; lựa chọn các nội dung phù hợp với tình hình thực tế để đưa vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố.

Đến nay, toàn huyện có 203/203 quy ước, hương ước của thôn, khu phố có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như: tiệc cưới tổ chức trang trọng, tiết kiệm, xin dâu đơn giản, không mời khách bữa phụ, không bắc rạp xuống lòng đường; lễ tang tổ chức tiết kiệm, sử dụng vòng hoa, mâm lễ xoay vòng, không rải vàng mã trên đường đưa tang...

Đặc biệt, BCĐ huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở 2 khu dân cư: thôn Phú Vị, xã Hồ Sơn và khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng. Hiện nay, 2 mô hình vẫn đang duy trì hiệu quả, được người dân đồng thuận.

Ông Vương Văn Sáng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Vị, xã Hồ Sơn cho biết: Từ năm 2020, thôn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền và bàn bạc, thống nhất đưa các nội dung về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào quy ước, hương ước của thôn. Vì người dân hiểu, đồng thuận nên việc thực hiện đạt hiệu quả cao; 99% đám cưới, đám tang đều được tổ chức theo nếp sống văn minh.

Với cách làm phù hợp, người dân trên địa bàn huyện đã tự giác thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Chị Đào Thị Hương, khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng nhớ lại: Cách đây 2 tháng, nhà tôi có người mất. Gia đình tôi đã tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, tuân thủ theo quy ước, hương ước của khu. Trong 48 giờ, gia đình tôi đưa thi hài đi hỏa thiêu và an táng tại Nghĩa trang khu Na Đâu; trong đám tang người thân, gia đình chỉ sử dụng kèn trống trong khung giờ quy định.

Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 1.805/1.848 đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn minh, đạt 97,67%; 2.019/2.079 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh, đạt 97,11% (cao hơn so với tỷ lệ của tỉnh 97%).

Từ đó, góp phần xóa bỏ những hủ tục trong việc cưới, việc tang, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với tỷ lệ bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tăng qua từng năm. Năm 2023, huyện có 28.351/31.047 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ 91,32%, tăng 2,3% so với năm 2019; có 197/203 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, tỷ lệ 97,04%, tăng 7,84% so với năm 2019.

Thời gian tới, BCĐ huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tổ chức đám cưới, đám tang theo nếp sống văn minh; biểu dương, khen thưởng những khu dân cư, dòng họ, gia đình thực hiện tốt cũng như phê phán, nhắc nhở các gia đình thực hiện chưa tốt; tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thuc-hien-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-cach-lam-cua-huu-lung-5023154.html