Mùa cam ngọt trên những khu vườn VietGAP Trường Thủy

Đến độ vào thu, những vườn cam sạch của nông dân xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lại sai trĩu quả, cho thu hoạch hàng tấn trái cam có vị ngọt thanh mà tép ngậm nước, tạo nên thương hiệu của cả một vùng.

Canh tác theo hướng hữu cơ, thu hoạch trăm tấn mỗi năm

Bắt đầu với cơ duyên trồng cây ăn quả từ năm 2014, anh Đỗ Tiến Tình (SN 1991) tại thôn Hương Thi, xã Trường Thủy, nhận thấy cây cam là một trong những loại cây khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Do vậy, anh đã mạnh dạn vay vốn, cùng hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình và địa phương, bắt tay vào chăm sóc vườn cam ngọt theo hướng hữu cơ.

Ban đầu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ trồng 3ha giống cam Khe Mây và cam Xã Đoài; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy hỗ trợ 1,2ha giống cam chanh Hà Tĩnh để trồng thử nghiệm cho anh Tình cùng một số chủ vườn khác. Đến nay, giống cam được hỗ trợ vẫn sinh trưởng tốt và cho chất lượng cam đồng đều.

 Vườn cam của anh Đỗ Tiến Tình tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Khánh Trinh

Vườn cam của anh Đỗ Tiến Tình tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Khánh Trinh

Để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, anh Đỗ Tiến Tình chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học cho cây cam. Phân bón để đảm bảo cho đất “sạch” là phân tươi được ủ với men vi sinh. Khi cây đến độ cho trái thì mỗi năm phải bón phân 3 lần (khi cây ra hoa và lộc vào dịp đầu xuân, bón khi cây ra quả và bón sau khi thu hoạch xong để cây phục hồi sức).

Bên cạnh giống cây, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cũng chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, hướng dẫn các yêu cầu cần thiết để cây cam sinh trưởng tốt. Do vậy, những người nông dân trồng cam ở Trường Thủy đều yên tâm sản xuất, hàng năm ước tính sản lượng khoảng 100 tấn cho cả HTX.

Theo anh Đỗ Tiến Tình, loại phân hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm sạch mà còn hạn chế được các loại sâu bệnh hại cây trồng. Khi cây ra quả thì dùng lưới bọc để tránh bị ong châm, tuyệt đối không dùng thuốc phun vào quả, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đối với các loại sâu bệnh khác đặc trưng riêng của cây cam như nấm, xì mủ,… anh Tình sẽ xác định thời điểm phù hợp vào đầu mùa mưa để quét vôi lên gốc cây, phòng ngừa sâu bệnh.

 Cây cam được canh tác và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Khánh Trinh

Cây cam được canh tác và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Khánh Trinh

“Để đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn của tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học, nhưng như vậy cũng là vừa đủ để cây cam sinh trưởng tốt, giữ cho đất “khỏe” mà sản phẩm thật sạch và ngon, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, anh Đỗ Tiến Tình cho biết.

Đối với cỏ, các chủ vườn cho hay chỉ dùng mát phát cỏ và hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt cỏ. “Nhiều thương lái, siêu thị đến mua thì tôi cũng mời ăn luôn tại vườn. Bản thân gia đình tôi, vợ con cũng ăn luôn để người mua hiểu và tin tưởng trái cam sạch và yên tâm như nào”, anh Tình vui vẻ thông tin thêm.

Phát triển thương hiệu cam VietGAP Trường Thủy

Để tạo tính liên kết vùng, đồng thời xây dựng thương hiệu cam sạch Trường Thủy đạt tiêu chuẩn, chứng nhận, qua đó, người tiêu dùng cũng an tâm khi sử dụng; địa phương và ngành nông nghiệp đã tiến hành nhiều biện pháp hữu hiệu.

Năm 2022, UBND xã đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Trường Thủy nhằm hướng tới áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả ở địa phương.

 Cam khi đậu quả sẽ được bọc thủ công để tránh bị côn trùng chích. Ảnh: Khánh Trinh

Cam khi đậu quả sẽ được bọc thủ công để tránh bị côn trùng chích. Ảnh: Khánh Trinh

HTX cũng hỗ trợ bà con xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, kết nối các điểm tiêu thụ tại cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh…

Thực hiện đánh giá thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP), mẫu môi trường bao gồm đất, nước, không khí, vật tư đầu vào, mẫu điển hình của sản phẩm đều được xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP.

Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Trường Thủy Lê Xuân Thắng cho biết, HTX hiện nay có 12 hộ thành viên tham gia, liên kết hơn 5ha cam các loại. Thông qua HTX, các thành viên đều cam kết sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; tuân thủ thực hiện các vật tư, biện pháp kỹ thuật trong trồng trọng, dịch vụ vật tư nông nghiệp nhằm giữ vững thương hiệu cam sạch Trường Thủy, an tâm khi tiêu dùng đối với người dân địa phương cũng như khách hàng ở các tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Lê Thuận Trung, điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển các giống cây ăn trái, do phải đối diện với khô hạn và thiên tai, mưa bão. Do đó, khi hỗ trợ người nông dân thử nghiệm các giống cây mới, đơn vị cũng tiến hành nghiên cứu để ứng dụng các kỹ thuật phù hợp, giúp cây thích ứng với điều kiện tự nhiên.

 Sản phẩm cam Trường Thủy canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP

Sản phẩm cam Trường Thủy canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP

“Để cây cam sinh trưởng tốt, kéo dài thời gian thu hoạch, cũng như bảo vệ tài sản của người nông dân, chúng tôi hướng dẫn các chủ vườn hạ tán cây khi chuẩn bị vào mùa mưa, hạn chế tối đa ảnh hưởng của gió lốc do miền Trung thường phải hứng chịu nhiều cơn bão. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật khác cũng được chuyển giao qua nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của cây cam tại địa phương”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Lê Thuận Trung.

Qua những năm đầu canh tác và thu hoạch, dù không được quảng bá mạnh mẽ, cam VietGAP Trường Thủy vẫn đã được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ vào chất lượng tốt, thương hiệu sạch, được “truyền miệng” từ vùng này qua vùng khác. Với việc tiếp tục được cải tiến trong mẫu mã và quy trình tiêu thụ đảm bảo, những mùa cam ngọt trên gò đồi Trường Thủy - Quảng Bình sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu để chinh phục thị trường.

Khánh Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mua-cam-ngot-tren-nhung-khu-vuon-vietgap-truong-thuy-post391235.html