Thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ: Đã rộng cửa đi lại
Sau Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết về hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Tuy hướng dẫn cụ thể phải đợi quy định về phòng dịch của Bộ Y tế, nhưng Bộ GTVT xác định vẫn áp trên khung hướng dẫn đã ban hành.
Khách từ TPHCM ra Hà Nội trên chuyến bay thương mại thường lệ vừa được nối lại hàng ngày. Ảnh: Trọng Tài
Tới hết ngày 13/10, hàng không chở khách nội địa đã mở lại được 4 ngày, Cục Hàng không cấp phép cho 42 chuyến bay mỗi ngày (21 đường bay). Thực tế, mỗi ngày các hãng chỉ khai thác khoảng 20 chuyến bay, bình quân chở khoảng 1.000 khách/ngày. Số chuyến bay còn lại phải hoãn, hủy do một số đường bay được mở lại nhưng không có hoặc ít khách vì những quy định khác nhau tại nơi khách tới.
Cũng từ ngày 13/10, đường sắt đã nối lại các đoàn tàu khách trên tuyến Hà Nội - TPHCM và Hà Nội - Hải Phòng. Trong ngày đầu, đoàn tàu khách từ Hà Nội đi TPHCM có 207 khách, chiều ngược lại có 406 khách; tàu Hà Nội đi Hải Phòng có 36 khách, chiều ngược lại có 48 khách.
Sáng 13/10, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, bộ đã giao các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ quy định, hướng dẫn về vận tải hành khách và hàng hóa theo Nghị quyết 128. Với vận tải hàng hóa, bộ đã chủ động triển khai lâu nay, tới nay đã cơ bản thông suốt, thống nhất. Thẻ nhận diện xe chở hàng hóa có mã QR vẫn được áp dụng để giám sát tài xế, việc lưu thông giữa các vùng nguy cơ.
Với hành khách, theo ông Thọ, nếu hướng dẫn của Bộ Y tế có nhiều điểm mới, hướng dẫn vận tải khách cũng phải cập nhật lại. Tuy nhiên, hướng dẫn tạm thời về vận tải khách của Bộ GTVT ban hành ngày 30/9 (Quyết định 1740) đã cơ bản đầy đủ, thời điểm đó đã được Bộ Y tế góp ý. Trước mắt vẫn cần hết giai đoạn thí điểm để đánh giá, hoàn thiện. “Sau ngày 20/10, kết thúc thí điểm Bộ GTVT sẽ họp sơ kết với các bộ ngành, địa phương để đánh giá mở lại vận tải khách, nếu an toàn và phù hợp sẽ tăng tần suất khai thác. Nếu điều gì chưa tốt sẽ điều chỉnh, bổ sung, hoặc kéo dài thí điểm, ông Thọ nói.
Điều kiện mở lại vận tải
Trước đó, ngày 30/9/2021, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 1740 về Hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên toàn quốc để thích ứng an toàn, linh hoạt, trong bối cảnh kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Hướng dẫn này áp dụng cho tất cả loại hình chở khách, từ đường bộ, đường sắt, hàng không, tới đường thủy nội địa và hàng hải từ ngày 1/10.
Sau khi phân cấp, tại vùng đỏ sẽ dừng hoạt động vận tải khách công cộng (trừ taxi có vách ngăn tài xế và hành khách, thanh toán điện tử). Nếu phương tiện vận tải khách có hành trình qua vùng đỏ thì không được dừng, đỗ.
Tại vùng cam: các loại hình vận tải khách được hoạt động, nhưng tối đa bằng 50% công suất bình thường, riêng hàng không vẫn theo 4 giai đoạn (hiện thí điểm tới ngày 20/10). Tại vùng nguy cơ vàng và vùng xanh: các phương tiện giao thông chở khách được hoạt động bình thường.
Điều kiện với khách đi lại và giám sát y tế tại địa phương nơi tới, ngày 3/10, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn áp dụng chung trên toàn quốc (kể cả các tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An). Với người đi từ vùng đỏ và cam đến vùng tương đương hoặc thấp hơn: Không yêu cầu cách ly ở nơi tới, chỉ phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ trước chuyến đi nếu khách đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19; người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều trước khi đi phải xét nghiệm, địa phương căn cứ nguy cơ để quyết định khách tới phải cách ly tại nhà, xét nghiệm.
Với người đi từ vùng vàng tới vùng tương đương hoặc thấp hơn: Người tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 chỉ cần thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc, theo dõi sức khỏe tại nơi tới trong 14 ngày; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin, phải cách ly tại nhà ở nơi tới trong 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày, xét nghiệm 2 lần.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để lưu thông hàng hóa và hành khách thuận lợi rất cần bộ tiêu chí về phân vùng nguy cơ dịch bệnh của Bộ Y tế. Bộ Y tế cần ban hành thống nhất 1 văn bản hướng dẫn về điều kiện người đi lại, lái xe, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nơi tới... để các địa phương, người dân dễ dàng theo dõi và thực hiện đồng bộ. “Các quy định, hướng dẫn về y tế lâu nay cũng có, nhưng vì nhiều văn bản dẫn tới cách hiểu khác nhau, gây đứt gãy, cắt khúc. Giờ có văn bản tổng hợp lại áp dụng cho cả nước sẽ đảm bảo hoạt động vận tải, đi lại thông suốt”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.