Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa

Thực hiện các nhiệm vụ về phát triển chính quyền số theo Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 111), thời gian qua, các sở, ngành, địa phương tập trung ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa các cấp; chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ và phần mềm đồng bộ, tạo sự đột phá trong cải cách hành chính.

Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại

Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được bộ phận một cửa các cấp hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 111, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển đồng bộ 3 trụ cột, rõ lộ trình. Đối với chính quyền số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ trực tuyến mức độ 4; hơn 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng... Thực hiện nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên; ưu tiên kinh phí thực hiện chuyển đổi số tại bộ phận một cửa.

Bộ phận một cửa xã Quang Châu (Việt Yên) được đầu tư hiện đại.

Bộ phận một cửa xã Quang Châu (Việt Yên) được đầu tư hiện đại.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cảnh quan, không gian, trang thiết bị hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã quan tâm ứng dụng công nghệ, nền tảng số vào giải quyết công việc. Hiện 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bảng tra cứu thủ tục hành chính (TTHC) bằng mã QR được niêm yết công khai tại trụ sở. Quá trình vận hành của bộ phận một cửa, các cấp, các ngành chú trọng ứng dụng CNTT giải quyết hồ sơ TTHC.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT giúp giải quyết TTHC thuận lợi, nhanh chóng, hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tất cả các hồ sơ tiếp nhận sẽ được số hóa lên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Từ đó, lãnh đạo đơn vị và các cơ quan chuyên môn dễ dàng giám sát việc giải quyết TTHC của cán bộ; mặt khác người dân có thể tra cứu thông tin, kết quả giải quyết TTHC. Xã Ngọc Thiện (Tân Yên) vừa được đầu tư xây dựng bộ phận một cửa hiện đại.

Anh Nguyễn Văn Đoan, công chức Tư pháp - Hộ tịch cho biết: “Hiện các hồ sơ đều được xử lý trực tuyến. Nếu người dân nộp qua Cổng Dịch vụ công thì cán bộ bớt khâu scan giấy tờ; trường hợp nộp trực tiếp thì sẽ số hóa và đẩy dữ liệu lên phần mềm để xử lý. Đơn cử như việc thực hiện chứng thực điện tử, sau khi tiếp nhận hồ sơ tôi sẽ xử lý trên phần mềm và trả kết quả bản điện tử. Lãnh đạo xã sẽ ký số trên máy, rất thuận lợi”. Được biết, từ đầu năm đến nay, xã Ngọc Thiện có hơn 1,2 nghìn giao dịch chứng thực điện tử về xác nhận tình trạng hôn nhân, bằng tốt nghiệp, giấy khám sức khỏe.

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã hoàn thành tích hợp và kết nối với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; kết nối liên thông hồ sơ TTHC với hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp dùng chung, hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; kết nối CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phục vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp); hệ thống phục vụ dịch vụ công VNPOST của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan, đơn vị trong quá trình xử lý hồ sơ TTHC. Nhờ vậy việc xử lý hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt hiệu quả; tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn toàn tỉnh đạt hơn 99%.

Đầu tư trang thiết bị, rèn kỹ năng số

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, các ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu làm việc. Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ. Trong năm 2023, toàn tỉnh mở gần 200 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ, đoàn thanh niên.

Đoàn viên thanh niên xã Ngọc Châu (Tân Yên) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Đoàn viên thanh niên xã Ngọc Châu (Tân Yên) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Yên Thế cho biết: “Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để bổ sung thiết bị như: Máy lấy số, máy tra cứu tự động, màn hình hiển thị và đánh giá sự hài lòng của người dân; máy tính, máy scan khổ giấy A3 và A4. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trả đúng hạn và trước hạn của huyện đạt 99%; tỷ lệ số hóa TTHC đạt 100%, tăng 60% so với năm 2022; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 69,47% vượt kế hoạch 29,47%”.

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện tỉnh Bắc Giang đang cung cấp 825 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.070 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho bộ phận một cửa theo hướng hiện đại, đồng bộ. Quan tâm lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ CNTT, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm cao làm việc tại đây. Tỉnh có chính sách thu hút nhân lực CNTT chất lượng cao. Các sở tiếp tục kiến nghị bộ, ngành T.Ư khắc phục các lỗi phần mềm và sớm thống nhất, tích hợp các phần mềm chuyên ngành nhằm giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/417721/thuc-hien-nghi-quyet-cua-tinh-uy-ve-chuyen-doi-so-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-tai-bo-phan-mot-cua.html