Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP: Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hơn 1 tháng qua, các cấp, ngành, các địa phương trên toàn tỉnh đã quyết liệt triển khai, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42, ngày 9/4/2020 của Chính phủ, đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cán bộ UBND thị trấn Hàng Trạm và Bưu điện huyện Yên Thủy chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 cho các đối tượng trên địa bàn.

Cán bộ UBND thị trấn Hàng Trạm và Bưu điện huyện Yên Thủy chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 cho các đối tượng trên địa bàn.

Là gói hỗ trợ đặc biệt, chưa có tiền lệ, thời gian chuẩn bị gấp gáp, nên việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, nhất là khâu rà soát, lập danh sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Theo đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở được phát huy.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Qua số liệu rà soát của các địa phương, các sở, ngành chức năng đã đề xuất với UBND tỉnh tổng nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hơn 826 tỷ đồng. Trong đó, NSNN chi trả 790 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 70% - tương đương 553 tỷ đồng, ngân sách địa phương 30% - tương đương 237 tỷ đồng); nguồn Ngân hàng CSXH cho vay là 36 tỷ đồng. Để đảm bảo chi trả kịp thời, đúng đối tượng, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất thực hiện chi trả cho các nhóm đối tượng thành 2 đợt. Đợt 1 chi trả cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Đợt 2 gồm: người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4… Qua rà soát, đợt I, toàn tỉnh có 255.476 người, với kinh phí chi trả trên 214 tỷ đồng. Từ ngày 29/4 - 7/5, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tri trả đợt I. Qua công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo của các địa phương, đến nay, chưa có phản ánh, kiến nghị nào liên quan đến việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Trong đợt 1, huyện Yên Thủy đã chi trả cho 17.153 đối tượng, với tổng số tiền 15,083 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Huyên đánh giá: Đây là gói hỗ trợ đặc biệt chưa có tiền lệ, lại được triển khai trong thời gian rất ngắn, vì vậy, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở rất quan trọng để đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trồng chéo, không bỏ sót, nhầm lẫn. Việc rà soát với sự tham gia của tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, cán bộ UBND các xã, thị trấn được thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Trong đó, vai trò giám sát của MTTQ từ khâu rà soát đến chi trả hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước để trục lợi cá nhân.

Huyện Lạc Sơn có 68.412 đối tượng chi trả đợt 1, kinh phí trên 59,2 tỷ đồng. Quá trình rà soát lập danh sách và chi trả, lực lượng Công an huyện, các xã, thị trấn đã tham gia ngay từ đầu để nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa sai phạm. Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bùi Văn Mựn cho biết: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42 ở xóm, tổ dân phố và các xã, thị trấn đều có lực lượng Công an, cán bộ mặt trận. Mặc dù chịu áp lực về thời gian, nhưng toàn bộ cán bộ tham gia đều được cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, của tỉnh và kế hoạch của huyện. Theo đó, việc rà soát, nắm, lập danh sách các đối tượng đợt 1 đề nghị hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, trúng và đúng. Quá trình chi trả đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn. Đặc biệt, những trường hợp tuổi cao sức yếu, ốm đau, bệnh tật không đi lại được, đã được cán bộ bưu điện, UBND xã, thị trấn trực tiếp đến chi trả tận nhà.

Kết quả bước đầu trong Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc rà soát, chi trả cho các đối tượng còn lại còn hết sức khó khăn, bởi việc xác định doanh nghiệp, NLĐ không có giao kết hợp đồng bị giảm sâu thu nhập là rất khó. Với số lượng ước khoảng hơn 55.400 đối tượng, nếu thực hiện không kỹ lưỡng sẽ dễ nhầm lẫn, hoặc bỏ sót, không công bằng, thậm chí còn tạo cơ hội cho trục lợi cá nhân từ chính sách của Nhà nước. Thực tế đó, đòi hỏi các cấp, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bám sát tinh thần Nghị quyết số 42, Quyết định số 15 để thực hiện đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn, hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra.

Đức Phượng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/141815/thuc-hien-nghi-quyet-so-42nq-cp-phat-huy-vai-tro-cua-cap-uy,-chinh-quyen-co-so.htm