Thực hiện Nghị quyết số 77 ở Lộc Bình: Sâu sát cơ sở, xây dựng mô hình cụ thể

Thực hiện Nghị quyết số 77 ngày 25/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình, Huyện ủy Lộc Bình đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Qua đó, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 77, huyện Lộc Bình bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc theo dõi, hỗ trợ xã, thị trấn, thôn, khu phố và gia đình có chuyển biến mạnh mẽ.

100% xã, thị trấn, thôn, khu, hộ gia đình có cán bộ, đảng viên phụ trách

Lộc Bình là huyện miền núi, biên giới có dân số trên 86.000 người; có 21 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 201 thôn, khu phố trong đó có 100 thôn đặc biệt khó khăn. Đảng bộ huyện Lộc Bình có 61 chi, đảng bộ cơ sở, hơn 6.200 đảng viên.

Đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình khẳng định: Triển khai Nghị quyết số 77, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 77 có trọng tâm, bám sát nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết, phù hợp với tình hình địa bàn và quán triệt, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Sau 2 năm thực hiện, Nghị quyết số 77 ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều đồng chí cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, định hướng những vấn đề trọng tâm để đảng ủy các xã, thị trấn, chi ủy thôn, khu phố triển khai; kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, những vấn đề nảy sinh. Qua đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, khơi dậy sức sáng tạo và huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân...

Cán bộ xã Nam Quan, huyện Lộc Bình tham quan, kiểm tra tiến độ mô hình trồng cây nhân trần tại thôn Khòn Mùn

Cán bộ xã Nam Quan, huyện Lộc Bình tham quan, kiểm tra tiến độ mô hình trồng cây nhân trần tại thôn Khòn Mùn

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên; đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung, các quy định liên quan về thực hiện Nghị quyết số 77. Đồng thời, 100% đảng ủy cấp xã ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện như: quyết định phân công ủy viên ban thường vụ đảng ủy, ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và đảng viên phụ trách, theo dõi, hỗ trợ thôn, khu phố, tổ tự quản và hộ gia đình; quyết định thành lập các tổ Nhân dân tự quản.

Hiện nay, huyện có 90 cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện được phân công phụ trách, theo dõi, hỗ trợ 21/21 xã, thị trấn và 201/201 thôn, khu phố; hơn 600 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được phân công phụ trách theo dõi, hỗ trợ thôn, khu phố, hộ gia đình.

Số hộ gia đình được đảng viên phụ trách theo dõi, hỗ trợ là 21.320/21.320 hộ, đạt 100%. Đảm bảo 100% xã, thị trấn, thôn, khu phố đều có cấp ủy cấp huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành cấp huyện phụ trách; 100% hộ gia đình đều có cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã, thị trấn và đảng viên phụ trách.

Ông Lý Văn Ly, Bí thư Đảng ủy xã Nam Quan cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, xã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 77. Hiện xã có 9 thôn thì có 31 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được phân công phụ trách theo dõi, hỗ trợ thôn và các hộ gia đình. Trung bình mỗi thôn, có ít nhất 2 cán bộ xã phụ trách trở lên. Tại 9/9 chi bộ thôn đã phân công nhiệm vụ cho đảng viên phụ trách 603/603 hộ, đạt 100%. Thực hiện Nghị quyết số 77, cán bộ cấp xã, đảng viên tăng cường bám sát thôn, gia đình địa bàn phụ trách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Hiệu quả tích cực

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; các cán bộ lãnh đạo, quản lý phụ trách địa bàn ở Lộc Bình đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế công tác, kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế; tạo đồng thuận thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Theo phân công ông Vi Văn Phong, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện phụ trách, hỗ trợ 2 thôn: Bản Choong - Bản Mìang và Nà Pầy, xã Sàn Viên.

Từ khi phụ trách, ông Phong đã phát huy vai trò, trách nhiệm, định hướng, hỗ trợ 2 thôn, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, củng cố xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

Anh Nông Văn Hợp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Choong - Bản Mìang chia sẻ: Ông Phong đã định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ chi bộ trong các công việc liên quan. Bản thân ông Phong đã hỗ trợ thôn về loa đài, kinh phí làm cổng nhà văn hóa; tặng cờ Tổ quốc cho các gia đình; hỗ trợ cát, sỏi làm đường giao thông nông thôn. Hằng tháng ông đến dự sinh hoạt với chi bộ thôn để nắm bắt tình hình và hỗ trợ giải quyết.

Nhiều năm trước, chi bộ không kết nạp được đảng viên mới. Trước thực trạng đó, ông Phong đã định hướng chi bộ rà soát, vận động quần chúng để tạo nguồn kết nạp, nhờ đó trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm chi bộ kết nạp được 1 đảng viên mới.

Ông Vi Văn Phong cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được phân công, tôi luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ sở, bám sát tình hình thực tế, nắm bắt vướng mắc của từng thôn để định hướng phù hợp. Trong đó chú trọng tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên trong cuộc sống; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội.

Để tạo điểm nhấn, đưa việc triển khai Nghị quyết số 77 vào chiều sâu, Huyện ủy Lộc Bình đã chỉ đạo và đề ra mục tiêu trong năm 2024 các xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 1 thôn để triển khai mô hình, phần việc cụ thể; mỗi thôn, khu phố chọn ít nhất 1 công trình, phần việc để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện các mô hình, phần việc có sự tham gia chỉ đạo, theo dõi của cán bộ lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn. Ngay từ đầu năm 2024, 21/21 xã, thị trấn lựa chọn được 22 mô hình và 201/201 thôn, khu phố lựa chọn được 235 phần việc, công trình. Các mô hình, công trình, phần việc được các xã, thị trấn, thôn, khu phố lựa chọn rất đa dạng gắn với nhiệm vụ trọng tâm, thực tiễn đặt ra, tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đến nay, có 8/22 mô hình của cấp xã đã hoàn thành kế hoạch năm, 14/22 mô hình đang thực hiện đảm bảo tiến độ; có 82/235 công trình, phần việc của thôn, khu phố đã hoàn thành kế hoạch năm, 153/235 công trình phần việc đang thực hiện đảm bảo tiến độ. Các mô hình còn lại đang trong quá trình thực hiện tốt, đảm bảo đúng tiến độ, nhiều phần việc, công trình dự kiến hoàn thành sớm so với kế hoạch.

Đơn cử xã Ái Quốc đến nay đã hoàn thành mô hình về công tác quản lý bảo vệ rừng, không phá rừng tự nhiên để chuyển đổi mục đích, phát triển chăn nuôi dê tại thôn Đoàn kết. Ông Triệu Tiến Lương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: Thôn có 63 hộ, 276 nhân khẩu. Chi bộ có 16 đảng viên, phân công phụ trách 63/63 hộ. Trước đây, trong thôn vẫn còn tình trạng người dân tự ý chặt phá rừng tự nhiên để chuyển đổi mục đích. Từ đầu năm 2024 đến nay, khi xã lựa chọn thôn để xây dựng mô hình về công tác quản lý bảo vệ rừng, không phá rừng tự nhiên để chuyển đổi mục đích, phát triển chăn nuôi dê, thôn có nhiều chuyển biển tích cực. Cán bộ xã phụ trách thôn, đảng viên thôn phụ trách gia đình đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ đó đến nay thôn không có hộ nào vi phạm, đến nay thôn đã trồng mới được hơn 70 ha cây keo, thông (vượt nghị quyết chi bộ đề ra hơn 25 ha), duy trì phát triển chăn nuôi trên 130 con dê. Dự kiến cuối năm thôn sẽ có 1 - 2 hộ thoát nghèo.

Thực tế cho thấy công tác phụ trách địa bàn đã từng bước đi vào thực chất, tập trung về các thôn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vấn đề nảy sinh tại cơ sở. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Đơn cử năm 2023, huyện đã thực hiện đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội: tổng diện tích gieo trồng đạt trên 2.000ha, đạt 99,33% kế hoạch; trồng mới được 1.200 ha rừng, đạt 100% kế hoạch… Công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án trọng điểm được tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình biên giới ổn định, quốc phòng - an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Để tạo điểm nhấn, đưa việc triển khai Nghị quyết số 77 vào chiều sâu, Huyện ủy Lộc Bình đã chỉ đạo và đề ra mục tiêu trong năm 2024 các xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 1 thôn để triển khai mô hình, phần việc cụ thể; mỗi thôn, khu phố chọn ít nhất 1 công trình, phần việc để thực hiện. Trong quá trình thực hiện các mô hình, phần việc có sự tham gia chỉ đạo, theo dõi của cán bộ lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn.

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thuc-hien-nghi-quyet-so-77-o-loc-binh-xay-dung-mo-hinh-cu-the-hieu-qua-5017851.html