Thực hiện nghiêm các quy định về dạy thêm, học thêm
Sau hơn một tháng thực hiện Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm, các cơ sở giáo dục (CSGD) ở Hà Nam đã thực hiện nghiêm quy định, từng bước đưa hoạt động giáo dục của nhà trường ổn định, nền nếp. Thông tư 29 không chỉ tác động tích cực đến nhận thức và thói quen của người dạy và người học mà còn làm thay đổi tư duy, hành động của phụ huynh, xã hội, các cấp quản lý.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nam đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc những quy định về dạy thêm và học thêm. Thầy giáo Nguyễn Nam Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lý (huyện Lý Nhân) chia sẻ: Nhà trường đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, giáo viên dừng dạy thêm có thu tiền trong nhà trường ngay từ 14/2, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Theo đó, các giáo viên có nhu cầu, nguyện vọng dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện đúng quy định, bảo đảm các thủ tục theo hướng dẫn rồi mới được dạy thêm ngoài nhà trường.
Ngay trong tuần đầu tiên thực hiện Thông tư 29, dư luận xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau về dạy thêm và học thêm. Vì vậy, để định hướng dư luận, trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Thông tư 29 được tăng cường. Trong đó, thường xuyên đăng tải ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục xung quanh việc triển khai thực hiện Thông tư 29 để làm nổi bật quan điểm về dạy thêm và học thêm theo nguyên tắc thống nhất quản lý chứ không cấm; việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên và phải phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo…

Giờ dạy thêm miễn phí tại trường cho học sinh lớp 12 của giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục).
Trước những ý kiến trái chiều, thái độ cực đoan của một bộ phận dư luận đối với các quy định mới về dạy thêm, học thêm của Thông tư 29, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh...
Ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục), thầy giáo Nguyễn Đức Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm tăng cường liên lạc với phụ huynh học sinh trên nhóm zalo lớp, trao đổi nội dung liên quan đến quy định của Thông tư 29, từng bước giải quyết những khó khăn khi các khối lớp dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Đối với học sinh, các thầy cô giáo là những người truyền đạt trực tiếp mục đích của các quy định về dạy thêm, học thêm để các em thay đổi ý thức học tập, chủ động tìm kiếm tài liệu và tự học ở nhà vào các buổi chiều.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều CSGD ở Hà Nam đã ổn định được tư tưởng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ngay trong tuần đầu tháng 3, nhiều trường học đã triển khai dạy học thêm miễn phí cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Dạy thêm, học thêm phải đi vào quy củ…
Ghi nhận từ thực tế, trên địa bàn tỉnh, không có CSGD công lập nào làm trái các quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29. Với giáo viên, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều thầy, cô giáo cấp THCS và THPT có nhu cầu dạy thêm bên ngoài trường học đã hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiếp tục hoạt động. Về phía phụ huynh học sinh, nhận thức về việc dạy thêm, học thêm đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều gia đình đã bố trí điều kiện cho con cái tự học tại nhà, chăm lo, sát sao con em mình nhiều hơn trước đây. Em Nguyễn Quỳnh Giang, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) chia sẻ: Những ngày đầu trường và các thầy cô thực hiện không dạy thêm, bản thân em và gia đình đều rất lo lắng vì năm nay em học cuối cấp, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép học ở các trung tâm xa và có mức thu phí cao. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo trong trường đã trao đổi, hướng dẫn chúng em tìm tài liệu, tự học ở nhà như thế nào cho đạt hiệu quả. Bản thân em đã tự thay đổi cách học, chủ động tự học ở nhà và thu được những kết quả khá tốt...
Còn cô giáo Phạm Thúy Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) chia sẻ: Do năm nay là năm đầu tiên các em học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, thời điểm này theo thông lệ bắt đầu tổ chức ôn thi rồi, nên giáo viên chúng tôi thực sự lo lắng khi nhận được thông báo, quán triệt dừng hoạt động dạy thêm trong nhà trường. Sau đó, chúng tôi đã bàn bạc và tự thống nhất, làm đơn xin lãnh đạo nhà trường cho phép dạy thêm miễn phí cho học sinh lớp 12 tại trường. Hiện nay, học sinh và phụ huynh rất yên tâm khi chúng tôi dạy thêm mỗi lớp 2 tiết/môn/tuần, không thu tiền của học sinh.
Một trong những tác động tích cực từ Thông tư 29 đối với giáo dục Hà Nam chính là nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc dạy học chính khóa, hỗ trợ học sinh nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục; đồng thời, củng cố và nâng cao ý thức tự học, tự chủ, tự giác của học sinh trong các hoạt động giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nam, bà Phạm Thị Ngân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT cho biết: Đến thời điểm này, Hà Nam đang thực hiện nghiêm quy định Thông tư 29. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong toàn ngành quán triệt quan điểm của Bộ GD&ĐT từ Thông tư 29 là hướng tới các trường không có dạy thêm, học thêm; thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, nghệ thuật… Sau khi có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm Thông tư 29, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, UBND tỉnh sẽ quyết định việc bố trí nguồn kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho các đối tượng học sinh theo quy định tại khoản I, Điều 5 của Thông tư 29. Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan như: đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật...
Một trong những tác động tích cực từ Thông tư 29 đối với giáo dục Hà Nam chính là nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc dạy học chính khóa, hỗ trợ học sinh nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục; đồng thời, củng cố và nâng cao ý thức tự học, tự chủ, tự giác của học sinh trong các hoạt động giáo dục.