Thực hiện nghiêm về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện nghiêm túc việc đăng ký đối tượng khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo đúng quy định pháp luật.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 3637/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH các tỉnh) về việc thực đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian vừa qua, BHXH các tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn người tham gia BHYT thực hiện đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát dữ liệu trên Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH Việt Nam (Data Warehouse), hiện có một số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến Trung ương không đúng đối tượng quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thực hiện một số nội dung sau:
Tổ chức hướng dẫn, thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu theo đúng quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT và các nội dung chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại Công văn số 08/BHXH-CSYT ngày 04/01/2021 về việc thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Chủ động phối hợp với Sở Y tế xác định, lập và công bố danh sách các cơ sở KCB đủ điều kiện đăng ký KCB BHYT ban đầu và khả năng đáp ứng số lượng thẻ đăng ký KCB ban đầu của các cơ sở theo các tuyến trên địa bàn theo đúng quy định.
Đồng thời, thống nhất bằng văn bản với Sở Y tế về số lượng, đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến Trung ương theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT.
BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phối hợp với sở y tế giải quyết, bảo đảm thuận lợi cho người tham gia BHYT; giao Ban Thực hiện chính sách BHYT chủ trì phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kết quả thực hiện hằng quý.
Theo quy định, khi người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT được Quỹ BHYT thanh toán 100% hoặc 95% hoặc 80% chi phí KCB tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT. Đối với những bệnh nhân có mức hưởng BHYT 95% hoặc 80%, nếu đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, có số tiền cùng chi trả khi đi KCB BHYT đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 lần mức lương cơ sở (hiện tương đương 8.940.000 đồng) được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT ở những lần đi KCB đúng tuyến tiếp cho đến hết năm tài chính.
Đối với các trường hợp tự chọn cơ sở KCB không đúng tuyến cũng được Quỹ BHYT chi trả tại bệnh viện tuyến Trung ương 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng và theo mức hưởng BHYT (đối với trường hợp người tham gia BHYT có mức hưởng thấp nhất là 80% sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 40% của 80% chi phí điều trị nội trú bằng 32% chi phí KCB BHYT).
Tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng và theo mức hưởng BHYT (ví dụ, trường hợp người tham gia BHYT có mức hưởng thấp nhất là 80% sẽ được Quỹ BHYT thanh toán: 80% chi phí điều trị nội trú). Còn tại bệnh viện tuyến huyện được chi trả 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng và theo mức hưởng BHYT.
Ngoài ra, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả).
Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Bên cạnh các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại)…
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi KCB BHYT.
Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.
BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn.
Có thể nói BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Với hơn 90% dân số tham gia BHYT đã khẳng định thành quả việc đưa chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống.