Thực hiện nghiêm việc không yêu cầu người dân trình sổ hộ khẩu
Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định lại một lần nữa việc không được yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Ngày 31-3, tại trụ sở UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM), Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp quý I-2023.
Trước khi tham dự hội nghị giao ban, các đại biểu đã dâng hương tại di tích cách mạng Kho dầu A, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
Không được yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu
Báo cáo công tác tư pháp quý I-2023 cho thấy những kết quả mà ngành tư pháp trên địa bàn TP.HCM đạt được là rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 268 dự thảo văn bản các loại; tư vấn 138 vụ việc theo yêu cầu của UBND TP.HCM, sở, ngành liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu nại và lĩnh vực đầu tư.
Các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý theo nhiều hình thức như trực tiếp, lưu động; tăng cường giải quyết các thủ tục cho người dân như thủ tục hộ tịch, chứng thực...
Tại hội nghị, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã có nhiều văn bản triển khai các quy định của Luật Cư trú và Điều 14 Nghị định 104/2022. Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp, công chức tư pháp hộ tịch phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy định không yêu cầu người dân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, giấy tờ, tài liệu xác nhận nơi cư trú.
Việc yêu cầu người dân nộp, xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú phải thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 104/2022. Tức là chỉ được yêu cầu khi không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức đã quy định, như thông qua ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu…
Theo Sở Tư pháp, trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch (nhất là thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn), nếu cần làm rõ tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú trước đây của công dân thì cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm chủ động, phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xác minh.
Việc này phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 73 Luật Hộ tịch, không yêu cầu người dân nộp hoặc xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú.
Nếu quá thời hạn không nhận được kết quả xác minh thì tiếp tục giải quyết hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015.
Trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức hiện nay có 205 cán bộ, công chức đang công tác tại Phòng Tư pháp, trong đó có 192 công chức có trình độ cử nhân luật (đạt tỉ lệ 93,7%). Có 566 công chức tư pháp - hộ tịch phường/xã/thị trấn, trong đó có 556 công chức có trình độ cử nhân luật trở lên.
Sao y bản chính trên môi trường điện tử gặp khó khăn
Liên quan đến việc triển khai Nghị định 45/2021 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, triển khai của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, Sở Tư pháp TP cho biết đã chủ động ban hành các văn bản để thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng mạng, chữ ký số, máy quét văn bản…
Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nói chung và cấp bản sao điện tử từ bản chính nói riêng là nghiệp vụ mới cần có hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng, thao tác. Do đó, Sở Tư pháp đã có văn bản báo cáo Bộ Tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh biểu dương những kết quả mà đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp TP.HCM đã làm được trong quý I-2023 và đề nghị cần tập trung để làm tốt nhiệm vụ trong quý II-2023.
Dịp này, sở cũng tổ chức lễ trao bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM cho các tập thể, cá nhân của ngành tư pháp có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành pháp luật.
Năm nhiệm vụ trọng tâm của các Phòng Tư pháp trong quý II-2023
Tại hội nghị giao ban, lãnh đạo Sở Tư pháp yêu cầu Phòng Tư pháp các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2023. Cụ thể:
Một là, thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng việc thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức; đảm bảo việc tham mưu có hiệu quả và hoàn thành đúng quy định đối với các văn bản được giao chủ trì xây dựng.
Hai là, tiếp tục kiểm tra tính pháp lý hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên theo khung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP.HCM.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách hành chính...