Thực hiện nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu
Với lợi thế là vùng nguyên liệu cà phê Robusta rộng nhất tỉnh Lâm Đồng, địa bàn thuận lợi để phát triển cây công nghiệp lâu năm, huyện Di Linh đang thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Để phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo nội dung Nghị quyết 08- NQ/HU, huyện Di Linh xác định 4 nhóm mục tiêu trọng tâm: Khai thác, phát huy các thế mạnh về nông nghiệp của huyện; Xây dựng các mô hình liên kết để tạo sự bứt phá trong hình thành mạng lưới tiêu thụ hàng nông sản mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp - hợp tác xã và nông dân; Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng sản xuất bền vững hướng đến là trung tâm sản xuất cà phê và cây ăn quả của tỉnh; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trước mắt, đến năm 2025, huyện Di Linh nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông - lâm nghiệp đạt 5,4%. Ổn định diện tích cây lương thực, cây chè, cà phê hiện có. Tiếp tục thực hiện việc tái canh, cải tạo giống cà phê chất lượng cao với 70% diện tích cà phê được sản xuất theo quy trình, chứng nhận của nhà xuất khẩu, rang xay. Phát triển mạnh ngành Dâu tằm, đến năm 2025 diện tích dâu tằm đạt 1.000 ha. Tăng cường thực hiện xen canh, đa dạng hóa cây trồng ngay trên cùng diện tích canh tác đạt 16.000 ha.
Ông Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh, xác định: “Hiện địa phương đang nỗ lực huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, coi phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững, gắn chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là khâu then chốt, là giải pháp xuyên suốt, bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, là nền tảng quan trọng cho quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Huyện Di Linh cũng đã tổ chức đánh giá, tổng kết thực tế các mô hình đã có, đạt giá trị cao như: trồng xen trong vườn cà phê; trồng rau, hoa công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; chăn nuôi bò sữa; tưới tiết kiệm nước; các cây trồng, vật nuôi mới áp dụng công nghệ sinh học; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)… trong thực tiễn tại địa phương để triển khai nhân rộng. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, khảo nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, bước đi, các bước phát triển trước mắt và lâu dài, gắn với lợi thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương.
Ngành Nông nghiệp huyện Di Linh đang đẩy mạnh sử dụng các giống cà phê chất lượng cao để thực hiện tái canh cà phê có hiệu quả nhất; khuyến khích Nhân dân sản xuất cà phê theo quy trình khép kín từ sản xuất, sơ chế, chế biến, sản xuất cà phê áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và được chứng nhận chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Di Linh.
Việc trồng xen các loại cây trồng khác trên diện tích cây cà phê đang được bà con nông dân chủ động thực hiện, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đồng thời đóng vai trò là cây che bóng, chắn gió... cho cà phê, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã khuyến cáo bà con nông dân đưa vào sản xuất những loại cây giống chất lượng có trong danh mục của tỉnh và sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tăng tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng.
Đồng thời, trên địa bàn huyện Di Linh cũng đã hình thành những mô hình phát triển một số cây trồng có giá trị cao, có lợi thế so sánh như: chanh dây, chuối la ba, rau, hoa, cây dược liệu…
Huyện Di Linh đang tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, như: phát triển nhãn hiệu “cà phê Di Linh”, xây dựng thương hiệu bơ, sầu riêng, mắc ca,... Truy xuất nguồn gốc sản phẩm làm cơ sở quảng bá, chứng nhận sản phẩm. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: JDE, IDH, ACOM, LDC, INTIMEX,... để được hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực, chuyển giao khoa học - công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút các dự án đầu tư cho quá trình sản xuất cà phê và các loại cây trồng.
Bên cạnh việc phát huy nội lực, cân đối nguồn ngân sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng thương hiệu, huyện Di Linh cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư để tăng cường nguồn lực, phát triển và tiêu thụ bền vững các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn.