Thực hiện Pháp lệnh 34 - ghi nhận từ cơ sở

Nhiều năm qua, MTTQ cùng các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh 34 về Quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn và đến nay đã phát huy khá tốt QCDC ở cơ sở.

Đường quê do dân góp công và đầu tư xây dựng. Ảnh: Hồng Thắm

Trao đổi về vấn đề này, ông nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo QCDC Lâm Đồng cho biết: Thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua cơ bản khá tốt. Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, hỏi và nghe cán bộ cơ sở trả lời, chúng tôi nhận thấy nếu cán bộ làm được thì chắc chắn sẽ nói được. Tuy nhiên, có nơi khi kiểm tra những nội dung làm được chính là thực hiện theo Pháp lệnh 34 nhưng cán bộ cơ sở không biết đó là Pháp lệnh 34.

Ngày 22/10/2019, Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh tổ chức kiểm tra tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Sau khi nghe báo cáo về tổ chức triển khai thực hiện QCDC của Ban điều hành Thôn 12 và các ý kiến trao đổi, thảo luận, tiếp thu, giải trình của các thành viên tham gia buổi làm việc, Đoàn công tác đã nhận thấy nhiều kết quả nổi bật. Đó là: Đảng ủy và Ban chỉ đạo QCDC xã Lộc Ngãi đã quan tâm công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong hệ thống chính trị xã và khu dân cư, trọng tâm là Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Chính quyền xã Lộc Ngãi đã thực hiện tốt những nội dung công khai cho Nhân dân biết như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm; danh mục các công trình xây dựng trên địa bàn xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; mức thu các loại phí, lệ phí; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính... Qua đó, tạo điều kiện để người dân biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trên nhiều lĩnh vực, nhất là việc bàn bạc và quyết định việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn... theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra Đoàn cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa thực sự thường xuyên; việc tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Pháp lệnh 34 đôi lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC xã chưa thường xuyên theo quy định; chưa chú trọng tổ chức sơ kết, đánh giá hàng năm. Hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo QCDC cấp xã chưa đồng đều, đa số là kiêm nhiệm nên còn gặp khó khăn trong hoạt động...

Qua tổ chức kiểm tra tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương vào ngày 28/10/2019, Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh ghi nhận kết quả cụ thể: Các thành viên Ban Chỉ đạo QCDC thực hiện tốt quy chế hoạt động, nhiệm vụ được giao, bám sát địa bàn khu dân cư đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chi bộ, ban thôn, ban công tác Mặt trận thôn thực hiện nghị quyết, chương trình kế hoạch của địa phương. Đã xây dựng và duy trì được việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ với HĐND, UBND xã; giữa MTTQ với các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân...

Nhờ vậy, quyền làm chủ của người dân được tôn trọng và phát huy tốt theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát”, nhất là các chương trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và đóng góp tiền, vật tư, ngày công, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Những vấn đề dân sinh bức xúc được giải quyết hiệu quả, hệ thống chính trị từ xã đến thôn được củng cố và kiện toàn, các phong trào quần chúng được quan tâm và hoạt động hiệu quả, có chiều sâu...

Tuy nhiên, tại Lạc Lâm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh 34 chưa được thường xuyên; số lượng cán bộ, công chức xã và người dân khu dân cư được tiếp cận, quán triệt về Pháp lệnh 34 chưa nhiều. Việc triển khai, cụ thể hóa các nội dung, giải pháp thực hiện QCDC ở cơ sở chưa thật sự được chú trọng, có nơi nặng về hành chính và hình thức...

Để tiếp tục phát huy tốt việc thực hiện Pháp lệnh 34, tại các buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông đề nghị: Các địa phương, cơ sở, nhất là các xã, phường, thôn, tổ dân phố cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nội dung Pháp lệnh; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh, huyện đến đội ngũ cán bộ, công chức xã và khu dân cư; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền, Nhân dân tiếp cận, nắm bắt đầy đủ các quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục củng cố tổ chức, phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ cụ thể ở từng địa bàn khu dân cư; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương; tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo QCDC tỉnh cũng đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự phối hợp hoạt động giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền; chú trọng tạo điều kiện phát huy vai trò, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động của Ban điều hành, các chi hội thôn; tuyên truyền nâng cao tỷ lệ họp dân, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, thanh niên... Đặc biệt, cần quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động và chế độ phụ cấp cho những người không hưởng lương, người hoạt động bán chuyên trách ở xã, chi hội đoàn thể ở khu dân cư. Trong đó, chú trọng công tác sơ, tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; qua đó nhân rộng các mô hình, điển hình, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201911/thuc-hien-phap-lenh-34-ghi-nhan-tu-co-so-2974600/