Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở - Nhìn từ thực tiễn Quân đoàn 3

Lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị từ cán bộ, chiến sĩ và linh hoạt sáng tạo trong xử lý là biện pháp mà Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, cũng như các đơn vị trực thuộc tiến hành thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cách làm này, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với Quân đoàn 3 thời gian qua.

Khuyến khích cán bộ, chiến sĩ bày tỏ nguyện vọng

Không khí bắt đầu buổi sinh hoạt đối thoại tại Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 như cởi mở hơn bởi cách đặt vấn đề ngắn gọn của Thiếu tướng Vũ Văn Sỹ, Tư lệnh Quân đoàn 3. Trước gợi ý của Tư lệnh Quân đoàn, Trung úy Nguvễn Quốc Định, Trợ lý Vũ khí đạn Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 24 trình bày nguyện vọng muốn được cấp trên xem xét cho chuyển công tác về Sư đoàn 31. Tiếp nhận đề nghị này, Thiếu tướng Vũ Văn Sỹ trả lời: “Nguyện vọng được chuyển về gần nhà công tác của đồng chí Nguyễn Quốc Định là hoàn toàn chính đáng. Lãnh đạo chỉ huy các cấp ghi nhận và từng bước nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, việc chuyển về đơn vị khác công tác, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp còn tùy thuộc vào nhu cầu nhiệm vụ”. Cách giải đáp rõ ràng đã khích lệ nhiều cán bộ tiếp tục ý kiến. Với thời gian gần 2 giờ, buổi đối thoại đã có 12 ý kiến phát biểu đề cập tới các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị được Thiếu tướng Vũ Văn Sỹ tiếp nhận và trả lời, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng, đơn vị trả lời trực tiếp.

Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chính ủy Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 tiếp nhận ý kiến của chiến sĩ trong buổi kiểm tra đơn vị học tập chính trị tại khu vực dã ngoại. Ảnh: DUY HÙNG

Theo Đại tá Tống Văn Hiểu, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3 thì tổ chức đối thoại với cán bộ, chiến sĩ là việc làm thường xuyên của đơn vị. Các ý kiến được tiếp nhận từ sinh hoạt, học tập, giao ban hằng ngày và giải quyết theo thẩm quyền quản lý. Hằng quý, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn phân công cán bộ đối thoại với bộ đội tại từng đơn vị. Để khuyến khích cán bộ, chiến sĩ bày tỏ nguyện vọng, khi đối thoại quân đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị phân chia theo từng nhóm đối tượng riêng biệt, như: Nhóm cán bộ, nhóm quân nhân chuyên nghiệp, nhóm chiến sĩ; quá trình đối thoại không có sự tham gia của cán bộ quản lý chỉ huy trực tiếp. Với cách làm này đã khích lệ, động viên mọi người tham gia phát biểu ý kiến, đề đạt nguyện vọng giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm bắt được tình hình thực tế, tâm tư, tình cảm của bộ đội. Trong quý I-2017, toàn Quân đoàn 3 có 165 ý kiến tham gia phát biểu trực tiếp tại các buổi đối thoại.

Những chuyển biến sau kiến nghị

Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở được Quân đoàn 3 tiến hành toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng; dân chủ trong quản lý, điều hành của người chỉ huy và thực hiện quyền dân chủ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thông qua hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng. Quân đoàn cũng tăng cường các biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đối thoại, tiếp nhận ý kiến thông qua phiếu khảo sát, hòm thư góp ý, công khai số điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp... Qua các nguồn thông tin, lãnh đạo, chỉ huy kịp thời nắm bắt, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp dưới, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, tạo nên sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại buổi Tọa đàm sĩ quan trẻ của Lữ đoàn 234, tháng 8-2016, Trung úy Tống Văn Thành, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Học viện Phòng không-Không quân về công tác tại lữ đoàn đến nay gần 4 năm. Trong quãng thời gian đó, tôi 13 lần được các cấp khen thưởng, trong đó có 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Vì vậy, tôi mong chỉ huy các cấp tạo điều kiện để có cơ hội phát triển ở vị trí khác”. Tiếp nhận chia sẻ đó, qua xem xét quá trình phấn đấu và được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 234 đề nghị, Thường vụ, Đảng ủy Quân đoàn 3 đã bổ nhiệm Trung úy Tống Văn Thành giữ cương vị phó đại đội trưởng chỉ sau đó 1 tháng.

Như vậy, việc tiếp nhận các ý kiến từ cơ sở không chỉ trong các buổi đối thoại dân chủ mà còn ở nhiều “diễn đàn” khác nhau và đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Thượng úy Trần Văn Thắng, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 320 kể lại câu chuyện tại đơn vị: “Trong một buổi huấn luyện, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn có lời nói không đúng với đồng chí trung đội trưởng. Quá trình sinh hoạt, sau khi nhận được ý kiến phản ánh; chính trị viên tiểu đoàn đã nhận khuyết điểm và xin lỗi trung đội trưởng trước hội nghị”.

Những năm trước, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở Lữ đoàn 273 có mặt chưa tốt, còn xảy ra mất đoàn kết trong nội bộ, bệnh dân chủ hình thức, cấp dưới chưa thực sự mạnh dạn góp ý, phê bình cấp trên... Để khắc phục, về mặt lãnh đạo, Lữ đoàn 273 đã bổ sung vào quy chế làm việc của Đảng ủy, chỉ huy một số nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị. Hằng tháng, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn họp với tập thể chỉ huy và các cơ quan đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đảng ủy trong tháng; thường xuyên rút kinh nghiệm việc thực hiện quy chế làm việc của Đảng ủy và phân công công việc của chỉ huy... Chính nhờ cách làm này mà Lữ đoàn 273 đã phát huy tốt vai trò của cơ quan giúp việc, hiệu lực lãnh đạo, chỉ huy của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên được tăng cường, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở đơn vị ngày càng thiết thực hơn.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-nhin-tu-thuc-tien-quan-doan-3-507971