Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp
Việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp đã giúp người lao động phát huy quyền làm chủ, phấn khởi yên tâm lao động sản xuất, đồng thuận với người sử dụng lao động; hợp sức thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Ông Lường Minh Xuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thông tin: Toàn tỉnh hiện có 120 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, HTX, nghiệp đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành và Công đoàn Viên chức tỉnh, với tổng số 6.177 đoàn viên. Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở doanh nghiệp luôn được các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động, các cấp công đoàn tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động luôn được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, giám sát trong hoạt động của doanh nghiệp. Tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trong toàn tỉnh luôn ổn định, hài hòa và phát triển; không xảy ra ngừng việc tập thể hay đình công trong các doanh nghiệp.
Thời gian qua, công đoàn các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt triển khai các nội dung xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, với nhiều hình thức, như: Hội nghị đối thoại, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ. Từ năm 2021 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì giám sát việc thực hiện Điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019 và một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Trường mầm non Hồng Ngọc, huyện Mai Sơn và Công ty cổ phần Thành An Sơn La, huyện Phù Yên... Tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở khảo sát tình hình thực hiện quy chế dân chủ tại 9 doanh nghiệp và 3 ban chỉ đạo huyện, thành phố. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức giám sát 32 cuộc, với 57 đơn vị, doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải, đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài công lập và nông nghiệp, đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã phối hợp, tham gia với lãnh đạo các doanh nghiệp cơ bản làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ, chi trả đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động.
Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La luôn phát huy quyền làm chủ của đội ngũ cán bộ và người lao động; thực hiện tốt các quy định về lao động, quy chế sử dụng lao động; định mức lao động; nâng lương; bảo hộ lao động, an toàn lao động; thi đua, khen thưởng; hướng dẫn những lao động bị mắc Covid-19 làm các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm... Ông Lê Văn Tuất, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty hiện có 21 tổ công đoàn, với 585 người lao động. Thực hiện quy chế dân chủ, Công ty luôn tạo điều kiện cho người lao động phát huy quyền làm chủ, tôn trọng và lắng nghe các đề xuất của cán bộ, đảng viên và người lao động; chăm lo đời sống vật chất cho tinh thần cho người lao động, tạo môi trường làm việc tốt nhất... Qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người lao động.
Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 97% doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã xây dựng QCDC ở cơ sở bằng văn bản; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị đối thoại; 73,5% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhờ đó, tiếng nói của người lao động được chủ doanh nghiệp lắng nghe; người lao động được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong thời gian tới, công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở tại các doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; phối hợp giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, những vụ việc đông người, phức tạp, gây bức xúc trong CNVCLĐ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở doanh nghiệp... để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao.