Thực hiện quy định phân loại rác thải tại nguồn: Bảo đảm triển khai theo lộ trình

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định: Hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn (còn gọi là rác thải) sinh hoạt tại nguồn từ ngày 31/12/2024. Để quy định này đi vào cuộc sống, góp phần giảm thiểu chất thải phát sinh, các sở, ngành trong tỉnh đã chủ động phương án thực hiện quy định này.

Không phân loại rác sẽ bị phạt tiền

Theo Điều 75 Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo 3 nhóm gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như giấy thải, nhựa thải, thủy tinh, cao su, thiết bị điện, điện tử thải...); chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, vỏ các loại rau củ quả, xác động vật, vỏ trứng, ...); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, cồng kềnh,…).

 Hội viên phụ nữ huyện Yên Dũng phân loại, xử lý rác là chất thải từ thực phẩm để làm phân bón.

Hội viên phụ nữ huyện Yên Dũng phân loại, xử lý rác là chất thải từ thực phẩm để làm phân bón.

UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Luật khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, nhất là ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển... Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 7, Điều 79 Luật BVMT, việc phân loại rác tại nguồn bắt buộc thực hiện từ ngày 31/12/2024. Từ thời điểm này, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Theo khoản 7, Điều 79 Luật BVMT 2020, việc phân loại rác tại nguồn bắt buộc phải thực hiện từ ngày 31/12/2024. Từ thời điểm này, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Pháp luật cũng quy định các mức phạt tiền cụ thể đối với một số hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng như: Vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; vứt, thải, bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá, rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối...

Thống kê của Bộ TN&MT, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 16% được chế biến, 13% đem đốt, còn lại là chôn lấp. Thực hiện được việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, đồng thời giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường. Qua đó tăng lượng chất thải hữu cơ được tái sử dụng, tạo nguồn phân bón, thức ăn sạch cho cây trồng, vật nuôi; giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện quy định này, ngày 2/12/2023, Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Tuân thủ nghiêm túc quy định

Tại tỉnh Bắc Giang, theo báo cáo của Sở TN&MT, mỗi ngày phát sinh gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt. Nhận thức rõ tác động tiêu cực của rác thải đối với môi trường cũng như mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chủ động ban hành chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom, phân loại, xử lý triệt để rác thải. Ngày 27/2/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường.

Thực hiện Chỉ thị này, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân, cán bộ, hội viên. Qua hơn 3 năm thực hiện, phong trào thu gom, xử lý rác thải ra môi trường trên toàn tỉnh diễn ra sôi nổi từ thành thị đến nông thôn với nhiều cách làm hiệu quả. Tiêu biểu như các mô hình: “Đoạn đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp", "Chi hội nông dân thu gom rác thải", “Sạch từ nhà ra ngõ”, “Sạch từ ngõ vào nhà”, “Cánh đồng không rác thải”,... của các cấp hội nông dân trong tỉnh.

Hay mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với Đề án về tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã tổ chức gần 500 cuộc quán triệt, triển khai đề án, hướng dẫn thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định, thu hút khoảng 50 nghìn hội viên tham dự.

Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng mô hình điểm và từ các mô hình này, toàn tỉnh đã nhân rộng, xây dựng gần 750 câu lạc bộ, mô hình “Phụ nữ thu gom phân loại, đổ rác thải đúng quy định”. Trong đó có khoảng 90 mô hình phụ nữ thu gom phân loại, xử lý rác thải bằng phương pháp hữu cơ. Đáng chú ý, qua thu gom, phân loại, các cấp hội phụ nữ đã thu được hàng tỷ đồng từ bán rác tái chế. Số tiền này dành để giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế hàng nghìn lượt hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, các đơn vị làm tốt việc thu gom, phân loại rác là: Hội LHPN huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Phát huy kết quả đạt được, bên cạnh việc tham mưu tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt, khu xử lý, nhà máy xử lý rác tập trung, Sở đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, dự kiến trình UBND tỉnh trong những ngày tới.

Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 và đến năm 2030; giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương trong thực hiện phân loại rác tại nguồn phù hợp với quy định của Luật và điều kiện thực tiễn ở từng nơi, bảo đảm năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh thực hiện phân loại rác tại nguồn theo đúng hướng dẫn.

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-quy-dinh-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-bao-dam-trien-khai-theo-lo-trinh-080010.bbg