Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật

VKSND tối cao vừa có công văn số 5736/VKSTC-V12 gửi Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng các VKSND cấp cao; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị góp ý đối với dự thảo Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành KSND.

Theo đó, dự thảo Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành KSND quy định về quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của Viện kiểm sát theo quy định tại Luật tiếp công dân năm 2013; Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 2/2/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Quy chế 51). Quy định này không áp dụng cho Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Quy định nêu rõ các đối tượng bao gồm: VKSND các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức được phân công nhiệm vụ tiếp công dân thuộc VKSND các cấp; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.

Theo VKSND tối cao, mục đích của việc tiếp công dân nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình để xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh; trả lời cho công dân biết theo quy định của pháp luật.

Một buổi tiếp công dân tại trụ sở VKSND tối cao

Một buổi tiếp công dân tại trụ sở VKSND tối cao

Cũng theo dự thảo Quy định, người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân theo các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp.

Đối với những trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ nơi tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc để làm cơ sở từ chối tiếp công dân. Trường hợp công dân có hành vi gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ tại nơi tiếp công dân, cảnh sát bảo vệ hoặc công an phường, xã, thị trấn tại địa điểm tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc; báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để có ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với những vụ, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người tiếp công dân dự thảo văn bản Thông báo từ chối tiếp công dân, trình người có thẩm quyền ký ban hành.

Liên quan đến quy định về việc ghi âm, ghi hình, dự thảo Quy định nêu rõ: Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh có nhu cầu ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp dân thì người tiếp công dân phải yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ mục đích của việc ghi âm, ghi hình. Đồng thời giải thích đơn vị tiếp công dân đã có thiết bị ghi âm, ghi hình và việc sử dụng hình ảnh, âm thanh từ việc ghi âm, ghi hình không đúng pháp luật có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung giải thích và mục đích của việc ghi âm, ghi hành phải được ghi vào biên bản tiếp công dân.

Trường hợp tại nơi tiếp công dân đã gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì người tiếp công dân kiểm tra thiết bị trước khi thực hiện việc tiếp công dân. Trường hợp tại nơi tiếp công dân không gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì người tiếp công dân báo cáo, đề nghị lãnh đạo đơn vị cửcán bộ hỗ trợ việc ghi âm, ghi hình trước khi thực hiện việc tiếp công dân.

Dự thảo Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành KSND gồm 6 chương, 35 điều. Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy định còn đề cập đến các nội dung khác đó là: Việc tiếp người khiếu nại, tố cáo; xác định thông tin cá nhân của người khiếu nại; xác định tính hợp pháp của người đại diện cho cơ quan, tổ chức khiếu nại; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền để khiếu nại; xử lý trường hợp ủy quyền không đúng quy định; việc nghe, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận thông tin, tài liệu; phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo; việc tiếp người kiến nghị, phản ánh; việc tiếp công dân của Viện trưởng Viện kiểm sát…

Theo VKSND tối cao, để Quy định về quy trình tiếp công dân đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn công tác tiếp công dân của VKSND các cấp; VKSND tối cao đề nghị các đơn vị tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Quy định. Đồng thời, gửi về VKSND tối cao (Vụ 12) trước ngày 20/12/2019 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/thuc-hien-quyen-khieu-nai-to-cao-kien-nghi-phan-anh-dung-quy-dinh-phap-luat-79431.html