Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 963 người phơi nhiễm với bệnh dại do bị chó, mèo cắn, cào… Các trường hợp này đều phải đi tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Trong số động vật cắn người có tới 203 con biểu hiện ốm, chạy rông, mất tích và 1 con có biểu hiện lên cơn dại. Số người bị chó cắn tập trung chủ yếu ở các huyện: Bảo Thắng (228 người), Bảo Yên (171 người), Mường Khương (122 người), Si Ma Cai (118 người),…

Tích cực tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng bệnh dại và không thả rông chó, mèo.

Tích cực tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng bệnh dại và không thả rông chó, mèo.

Công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh tuy đã được triển khai, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nên tiến độ và kết quả đạt thấp; tính đến ngày 16/4, toàn tỉnh mới tiêm được 27.675 liều vắc xin dại, đạt 33% kế hoạch năm 2020.

Trước tình trạng vi rút dại vẫn lưu hành trên động vật hoang dã (dơi, chồn, cầy, cáo...), cùng với việc buôn bán, vận chuyển chó giữa các địa phương làm tăng nguy cơ bệnh dại xảy ra trên đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng, không được quản lý chặt chẽ, sau đó tiếp tục truyền lây sang người và các động vật khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; trung tâm dịch vụ nông nghiệp; UBND cấp xã; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên rà soát, cập nhật số liệu tổng đàn chó, kết quả tiêm phòng vắc xin dại để làm căn cứ quản lý đàn chó nuôi và xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác tiêm phòng vắc xin dại cho chó; vận động người nuôi chó mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ nuôi chó. Thành lập các điểm tiêm phòng vắc xin dại tại trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các phòng khám, điều trị bệnh vật nuôi. Các chợ, tụ điểm mua, bán chó phải tổ chức tiêm phòng vắc xin dại và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định. Duy trì các tổ xung kích tổ chức bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng; tiêu hủy động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi không tiêm phòng bắt buộc vắc xin dại cho chó theo quy định, mức xử phạt 600.000 - 800.000 đồng/trường hợp. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống loa truyền thanh cố định và lưu động ở cơ sở về bệnh dại để nâng cao nhận thức cho nhân dân về quản lý chó nuôi, tiêm vắc xin dại, cũng như chính sách của tỉnh về hỗ trợ toàn bộ vắc xin dại tiêm phòng cho chó…

Các đơn vị chuyên môn thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát dịch bệnh từ cơ sở, triển khai công tác tiêm phòng dại cho đàn chó; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/thuc-hien-quyet-liet-cac-bien-phap-phong-chong-benh-dai-dong-vat-z5n20200417110026806.htm