Thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc. Các hành vi tham nhũng phát sinh được xử lý kịp thời, các vụ án tham nhũng nhanh chóng được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, góp phần răn đe và nâng cao nhận thức, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ.

Bộ phận “một cửa” huyện Nghĩa Hưng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.

Bộ phận “một cửa” huyện Nghĩa Hưng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng với những nhiệm vụ công tác cụ thể; kịp thời triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTNLPTC; tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch của địa phương, đơn vị, nội dung tập trung vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTNLPTC, hệ thống hóa các văn bản liên quan. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNLPTC cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân bằng các hình thức thích hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 57 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNLPTC với 8.907 lượt người tham dự. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác đấu tranh PCTNLPTC.

Cùng với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị như: Công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kết quả giải quyết đơn thư của công dân, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn... gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, quy định về định mức, tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực để các cơ quan, đơn vị liên quan áp dụng chung trên toàn tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị mình; thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định của ngành, địa phương khi thực thi nhiệm vụ, công vụ, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/9/2016 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ... Đặc biệt, các đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và trả kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa của các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước; góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn tại địa phương và kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện bảo đảm theo quy định của pháp luật. Các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tiến hành rà soát, lập kế hoạch và thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu công tác, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Trong năm, đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 142 công chức, viên chức; Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 4.219 bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; thực hiện xác minh tài sản thu nhập đối với 30 người được lựa chọn ngẫu nhiên trong số những người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tại 1 huyện và 4 sở. Qua xác minh chưa phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản thu nhập không trung thực. Ngoài ra, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được triển khai thực hiện nghiêm túc; các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, công tác PCTNLPTC trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt, chất lượng, hiệu quả công tác được nâng cao. Năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai, thực hiện 376 cuộc thanh, kiểm tra tại 2.041 cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 66 tỷ 381,26 triệu đồng; xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 4 tỷ 455,6 triệu đồng; chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đã và đang theo dõi, xử lý 19 vụ việc tham nhũng, tiêu cực với 70 đối tượng; tổng số tiền, tài sản tham nhũng, tiêu cực phát hiện được là trên 24 tỷ 19 triệu đồng và 25.182m2 đất. Kết quả trong công tác PCTNLPTC đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để công tác PCTNLPTC trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNLPTC cho người dân, các doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước; tăng cường giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao chất lượng công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đã xây dựng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về PCTNLPTC nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác PCTNLPTC; kịp thời xử lý, giải quyết các đơn tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện các biện pháp PCTNLPTC theo quy định. Duy trì công tác phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra các huyện ủy, thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đoàn thể trong công tác PCTNLPTC; trong đó, tập trung phối hợp trong công tác kiểm soát tài sản thu nhập, trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/thuc-hien-quyet-liet-dong-bo-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-3ee6f23/