Thực hiện song hành 2 Chương trình GDPT: Nhiệm vụ kép
Năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) hiện hành và chương trình mới. Điều này đòi hỏi nỗ lực hết mình của đội ngũ giáo viên (GV) tới cán bộ quản lý (CBQL) để hoàn thành nhiệm vụ kép trong quá trình đổi mới giáo dục.
Chủ động gỡ khó
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Những yêu cầu của CTGDPT mới khác với CTGDPT hiện hành đòi hỏi GV phải có sự “đầu tư” kĩ càng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, với HS lớp 1 chuyển từ môi trường chơi sang học, bỡ ngỡ với nền nếp, phương pháp học tập… GV càng vất vả để uốn nắn.
Với GV giảng dạy khối lớp 2, 3, 4, 5 dù theo CTGDPT hiện hành nhưng nhà trường vẫn yêu cầu lồng ghép hoạt động trải nghiệm, thực tế vào bài giảng, tăng cường chia nhỏ nhóm HS để học tập… Như vậy, dẫu triển khai CTGDPT hiện hành song GV vẫn phải chủ động lên kế hoạch về mặt thời gian để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy, để nhanh chóng bắt nhịp CTGDPT mới ở năm tiếp theo.
“Để làm nên một thế hệ học trò hội nhập toàn cầu không chỉ lãnh đạo các cấp phải nỗ lực mà đội ngũ GV – những người trực tiếp giảng dạy phải tích cực nắm bắt, chấp nhận vượt khó, không ngừng tích lũy kiến thức chuyên môn… mới có thể làm tốt yêu cầu, nhiệm vụ”, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc bày tỏ.
Tại Trường Tiểu học Pom Hán – thành phố Lào Cai (Lào Cai), cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng cũng chia sẻ: Triển khai song hành 2 CTGDPT có những khó khăn và thuận lợi riêng. Xét về thuận lợi, đội ngũ GV, CBQL đều được tiếp cận sớm với CTGDPT mới, tập huấn kĩ càng chuyên môn, phương pháp nghiệp vụ... Mặt khác, CTGDPT mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới, chú trọng phát triển năng lực phẩm chất, giúp HS phát triển toàn diện nên được phụ huynh đồng lòng ủng hộ, GV có thêm động lực để đổi mới.
Tuy nhiên, thách thức phải “vượt qua” với đội ngũ GV lớp 1 là việc nghiên cứu phương pháp giảng dạy, kỹ thuật, nội dung, chuyên môn… gần như từ đầu. Không nỗ lực, chủ động… GV không thể bắt kịp CTGDPT mới.
Mặt khác, tại Trường Tiểu học Pom Hán (Lào Cai) đang thực hiện dạy học tiếng Anh tự chọn cho HS khối 1 và 2, giúp HS khi bước vào học tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3 theo CTGDPT theo kịp kiến thức, không bị tụt lùi với sự phát triển của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, thiếu “biên chế” GV khiến việc dạy học chưa đạt hiệu quả cao, phụ thuộc nhiều vào xã hội hóa giáo dục.
Thầy Nguyễn Đức Nguyện – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (huyện Văn Bàn – Lào Cai) cũng khẳng định: Sự đồng bộ trong thực hiện song hành 2 chương trình giáo dục chưa thể có ngay nên không tránh bỡ ngỡ về chuyên môn và quản lý trong mỗi nhà trường. Dù GV và CBQL đã được làm quen, tập huấn với chương trình mới song độ “nhuần nhuyễn” về chuyên môn vẫn cần có thêm thời gian.
Để gỡ khó “bài toán” đội ngũ GV tiếng Anh HS khối 1, 2, nhà trường đã đề xuất với phòng GD&ĐT tăng cường GV các trường trong huyện đến giảng dạy. Như vậy, HS được học đủ chương trình, phụ huynh không phải đóng góp kinh phí.
Linh hoạt trong quản lý
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót chia sẻ: Triển khai CTGDPT mới, trong công tác quản lý chỉ đạo cũng đòi hỏi sự sát sao, linh hoạt để phù hợp với thực tế đổi mới giáo dục.
Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức những tiết dạy lấy GV làm HS để đưa ra những tình huống, phản biện có thể xảy ra trong tiết dạy giúp GV có thể lường trước và chuẩn bị kĩ càng trong quá trình giảng dạy. Tuần thứ 3 sau khi bước vào năm học mới, ban giám hiệu tăng cường dự giờ với khối 1. Dự giờ không phải đánh giá tiết dạy đạt loại tốt, khá hay nhận xét GV mà để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo chuyên môn một cách cụ thể, hiệu quả.
“Tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng phải nắm vững những yêu cầu, đòi hỏi của CTGDPT mới. Có như vậy mới đánh giá, điều chỉnh hợp lý các tiết dạy của GV. Công tác quản lý chỉ đạo, rút kinh nghiệm càng hiệu quả bao nhiêu, HS càng được “hưởng” nhiều hơn các tiết học có chất lượng” - cô Ngọc nói.
Cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pom Hán cũng khẳng định vai trò nòng cốt của CBQL, tổ trưởng chuyên môn trong thực hiện song hành 2 CTGDPT bậc tiểu học. Theo cô Hương, “hiểu và vững vàng chuyên môn mới có thể đưa ra những chỉ đạo, điều chỉnh, rút kinh nghiệm chính xác, giúp GV thực hiện nhuần nhuyễn và liên thông 2 chương trình hiệu quả”.
Tại Trường Tiểu học Pom Hán, từ đầu năm học 2020 - 2021, ban giám hiệu đã chỉ đạo GV dạy học khối lớp 2, 5 phải xây dựng chuyên đề tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất, có sự liên thông về chương trình giúp HS lên lớp tiếp theo nhanh chóng tiếp cận chương trình mới; Muốn làm được như vậy, các tổ chuyên môn khối lớp 1, 2, 5 phải ngồi lại cùng tổ chuyên môn khối 6 (trường trong địa bàn) cùng xây dựng nội dung chương trình.
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (huyện Yên Bình – Yên Bái) nhận định: Triển khai song song 2 CTGDPT là việc không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm tốt nếu có sự quyết tâm và nỗ lực từ GV tới CBQL, sự đồng hành của phụ huynh và chính quyền địa phương. Tại Yên Bình, một mặt ngành GD-ĐT làm tốt công tác bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy lớp 1 và 100% CBQL các nhà trường. Mặt khác, dành mọi điều kiện tốt nhất cho việc triển khai dạy học lớp 1...
Ngành GD-ĐT Yên Bình cũng xác định, GV giỏi chưa đủ mà CBQL nhà trường cũng phải là lực lượng nòng cốt về chuyên môn để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời trong quá trình triển khai CTGDPT mới song hành với CTGDPT hiện hành.
Để giúp HS tiếp cận nhanh với CTGDPT mới, ngành GD-ĐT Yên Bình đã chỉ đạo các nhà trường đủ điều kiện có thể dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS. Như vậy, HS khối 2 - 5 khi lên lớp sẽ nhanh bám sát CTGDPT mới và không có khoảng “hẫng” giữa 2 chương trình. - Ông Nguyễn Văn Lịch