Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 932/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về 'Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội'.
UBND thành phố giao Sở Nội vụ là đầu mối tham mưu UBND thành phố làm việc với Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; tham mưu về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường khi thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, là đầu mối tham mưu báo cáo để UBND thành phố đề xuất Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai... đối với TP Hà Nội. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố phối hợp các bộ, ngành có liên quan, các ủy ban của Quốc hội để thực hiện trình tự, thủ tục thẩm định, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết...
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa có Công văn số 2399-CV/BTGTU, đề nghị Thường trực các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy khối, trực thuộc, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ tính chất nguy hiểm, nguy cơ và tác hại của dịch Covid-19 gây ra; tuyên truyền chính xác, kịp thời diễn biến của dịch và các biện pháp phòng, chống. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng; động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, đóng góp tinh thần và vật chất chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường phát hiện, đấu tranh kịp thời những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; che giấu thông tin; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đấu tranh đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định xã hội, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ đô và đất nước.
Hơn 300 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP
Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội vừa cho biết, trên địa bàn thành phố có 301 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có sáu sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm cấp quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao. Từ nay đến cuối năm, Văn phòng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt kế hoạch triển khai chương trình OCOP; phấn đấu đến hết năm 2020 tổ chức đánh giá, phân hạng và trình UBND thành phố quyết định công nhận hơn 700 sản phẩm OCOP đạt từ cấp 3 sao trở lên. Đồng thời, tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện chương trình OCOP; nâng cấp, tích hợp hệ thống truy xuất sản phẩm OCOP.