Thực hiện Thông tư 37/2023 của Bộ Tài chính: Vướng mắc chưa được tháo gỡ, Sở GTVT 'chấp nhận làm sai'
Hơn 3 tháng sau khi Tạp chí GTVT đăng loạt bài phản ánh bất cập khi triển khai quy định mới về phí sát hạch lái xe tại Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính, đến nay vướng mắc chưa được tháo gỡ gây nhiều khó khăn cho các Sở GTVT.
"Chấp nhận làm sai để phục vụ người dân"
Ngày 13 - 15/12/2023, Tạp chí GTVT có loạt bài: "Nhiều bất cập trong thực hiện quy định mới về quản lý, sử dụng phí sát hạch lái xe", phản ánh việc các cơ quan quản lý, Sở GTVT, đơn vị sát hạch lái xe ô tô, xe máy gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng; có hiệu lực từ 1/8/2023).
Cụ thể, theo các Sở GTVT, thực hiện theo Thông tư số 37/2023, các địa phương (trực tiếp là các Sở GTVT) phải tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng để lựa chọn trung tâm sát hạch lái xe để phù hợp theo các quy định của Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu… Tuy nhiên, việc đấu thầu gặp khó khăn, vướng mắc, bất lợi và tăng chi phí cho người dân do người dự sát hạch có thể phải di chuyển xa so với nơi học lái xe, từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh hoặc từ đô thị phải về vùng sâu, vùng xa để thi (trường hợp đơn vị trúng thầu ở vùng sâu, xa).
Còn để đặt hàng, đơn vị sát hạch lại không thực hiện được, do tại Nghị định số 32/2019/NĐ – CP của Chính phủ (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước chi thường xuyên) không có mục "công tác tổ chức sát hạch lái xe" trong danh mục dịch vụ công hoặc dịch vụ sự nghiệp công ích.
Những khó khăn, vướng mắc trên khiến có địa phương phải tạm dừng tổ chức sát hạch lái xe (đơn cử như tỉnh Hà Nam) hoặc chưa tổ chức đấu thầu để chờ được hướng dẫn, tháo gỡ. Một số Sở GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, Sở Tài chính (cùng địa phương) hướng dẫn… mong tìm được giải pháp.
Đến nay, hơn 8 tháng Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành và sau hơn 3 tháng Tạp chí GTVT có loạt bài phản ánh, những bất cập, vướng mắc trên vẫn tồn tại, gây khó khăn cho công tác tổ chức sát hạch cấp GPLX ở nhiều địa phương. Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, có địa phương đang phải tạm dừng tổ chức sát hạch để chờ triển khai các thủ tục đấu thầu (tỉnh Hà Nam, dự kiến tháng 5/2024 mới tiếp tục tổ chức sát hạch).
Trong khi ở nhiều địa phương, các Sở GTVT do không thể dừng công tác sát hạch để phục vụ nhu cầu người dân đành vận dụng "mỗi nơi một kiểu" như chỉ định để lựa chọn tạm thời trung tâm sát hạch (tỉnh Bắc Ninh), tổ chức sát hạch và tạm tính số tiền chi trả cho trung tâm sát hạch không quá 50 triệu đồng nhưng chưa chi trả (tỉnh Khánh Hòa), chỉ định lần lượt các trung tâm sát hạch tại địa phương để tổ chức với kinh phí không quá 100 triệu đồng/kỳ để không vi phạm quy định của Luật Đấu thầu (tỉnh Nam Định), ký hợp đồng thuê sân sát hạch với số tiền chi trả là tạm tính và sẽ bù, trừ sau (tỉnh Quảng Ninh), ký hợp đồng với từng trung tâm (TP. Hà Nội)...
Từ thực tế khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính tại địa phương, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, Sở GTVT đã tính đến một số giải pháp khác (như đấu thầu theo địa bàn huyện, đấu thầu xong bố trí sân khác để tổ chức sát hạch)… nhưng đều không được vì vi phạm Luật Đấu thầu.
"Sở GTVT đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, UBND tỉnh, cũng như đề nghị Sở Tài chính địa phương hướng dẫn nhưng vẫn không tháo gỡ được vướng mắc. Việc tổ chức sát hạch lái xe không thể dừng được, thực hiện theo phương thức đấu thầu thì không xong nên Sở GTVT đành báo cáo UBND tỉnh phương án ký hợp đồng tạm thời với trung tâm sát hạch, với giá tạm tính.
Quảng Ninh chấp nhận làm sai Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính để phục vụ nhân dân, nếu bị thanh tra, kiểm tra xác định là vi phạm cũng đành chịu kiểm điểm thôi", ông Minh giãi bày.
Nên tách thành giá dịch vụ và phí, lệ phí như đăng kiểm ô tô
Trong nội dung Thông tư số 37/2023 của Bộ Tài chính nêu rõ: "Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung phù hợp". Do khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay trong thời gian đầu thực hiện nên một số Sở GTVT, Sở Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn. Nhưng theo phản ánh của một số Sở GTVT, nội dung phản hồi chủ yếu trích dẫn lại thông tư, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được hiểu như "đúng quy định mà làm" nên không giải quyết được khó khăn, vướng mắc.
Nhằm làm rõ vấn đề trên, ngày 12/3/2024, Tạp chí GTVT cũng có văn bản số 67/GT – TCGTVT gửi Bộ Tài chính đề nghị cung cấp một số thông tin liên quan và ý kiến của Bộ Tài chính về các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 37/2023, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Về phía Cục Đường bộ VN, một cán bộ quản lý lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe của Cục xác nhận hiện trên toàn quốc vẫn đang diễn ra khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu lựa chọn trung tâm sát hạch lái xe. "Khi Thông tư số 37/2023 có hiệu lực, Kho bạc Nhà nước một số địa phương chỉ chi trả kinh phí cho trung tâm sát hạch được lựa chọn tổ chức sát hạch qua phương thức đấu thầu. Thế nên các địa phương sẽ buộc phải đấu thầu, nhưng khi tổ chức đầu thầu lại gặp những vướng mắc trên", vị này cho biết.
"Bộ Tài chính cần sớm xem xét để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh khi thực hiện Thông tư số 37/2023. Để tháo gỡ, có thể tính phương án thu phí sát hạch như đối với đăng kiểm ô tô hiện nay, đó là tách phí ra thành giá dịch vụ và phí, lệ phí. Người dự thi sát hạch sẽ nộp giá dịch vụ thuê cơ sở vật chất cho trung tâm sát hạch và chỉ nộp phí, lệ phí sát hạch cho Sở GTVT (trung tâm thu hộ ngân sách)", vị này đề xuất.