Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội tại Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh chủ trương tiếp tục thực hiện tiến bộ xã hội trong từng bước đi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được Đảng, Nhân dân đồng thuận xây dựng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh chủ trương tiếp tục thực hiện tiến bộ xã hội trong từng bước đi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được Đảng, Nhân dân đồng thuận xây dựng.
Quan điểm của Đảng qua các kỳ Đại hội
Trong quá trình phát triển đất nước, nhằm bảo đảm vừa tăng trưởng kinh tế, vừa thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta xác định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các nguyên tắc phân phối ngày càng công bằng này đã huy động mọi nguồn lực cho sản xuất, đó là một trong những cơ sở quan trọng của sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Đây cũng chính là thể hiện tính ưu việt về thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (1991) nêu lên 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó nhấn mạnh: Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu… Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) nhấn mạnh: "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006) tiếp tục khẳng định quan điểm: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) chỉ rõ phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, đồng thời rút ra bài học: "…Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".
Năm 2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức với sự khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường".
Nhất quán tư tưởng đó, trong các kỳ Đại hội, Đảng tiếp tục khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song trong quá trình phát triển đó, con người vừa là trung tâm chiến lược, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”; “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu mang giá trị cao đẹp, nhân văn: “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất”; “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.
Quan điểm của Tổng Bí thư là minh chứng hiện thực, sinh động, xoay quanh giá trị trung tâm không gì khác ngoài sự phát triển vì con người. Đây chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn.
Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: "Một đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường là… tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển". Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Điều này càng làm sáng tỏ hơn mục tiêu vì con người mà Đảng, nhân dân ta hướng tới. Mục tiêu đó khác biệt về chất của sự phát triển kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Những thành quả đạt được
Qua 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Đảng lãnh đạo tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại… tất cả hướng tới nâng cao tiềm lực kinh tế quốc gia, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, đảm bảo tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội… Chính vì vậy, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm; văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được nâng cao; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ hơn; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp...
Có thể khái quát thành tựu trên một số góc độ sau:
Thứ nhất, nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước. Mặc dù năm 2020 nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 song tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt 6,8%. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng đạt 5,03% cho dù tiếp tục chịu tác động từ đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - U-crai-na…
Cùng với đó, hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, đạt kết quả trên nhiều mặt. Đến nay, có quan hệ kinh tế với gần 200 quốc gia, tổ chức, vùng lãnh thổ; quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia; là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã và đang góp phần tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nơi trên thế giới.
Thứ hai, chỉ số phát triển con người ngày một tăng cao. Cùng với sự gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, hàng năm Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội, nhiều chính sách xã hội lớn được Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện, do đó chỉ số phát triển con người (HDI) có nhiều kết quả tích cực: chỉ số HDI các năm là: 0,687 (2017); năm 2018: 0,700 (2017); 0,704 (2019) và 0,702 (2020). Giai đoạn 2016-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,682 (nhóm trung bình) lên 0,706 (nhóm cao). Mới đây, ngày 9-9-2022, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022, theo đó HDI của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021. Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.
Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Nếu như ở thời điểm năm 1988, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ có 88 đô-la Mỹ, thì đến năm 2020, con số này đạt 3.512 đô-la Mỹ, tăng hơn 31,5 lần trong vòng hơn ba thập niên. Giai đoạn 2013-2018, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,7%/năm. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh từ 70,5 (năm 1990) lên 75,4 (năm 2019), cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, số năm đi học bình quân của dân số Việt Nam là 9,0 năm; số người có trình độ học vấn từ THPT trở lên của cả nước chiếm 36,5% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên, tăng gần hai lần so với năm 2009 (20,8%). Chỉ số giáo dục tăng tương ứng từ 0,618 (2009) lên 0,640 (2019).
Thứ ba, đảm bảo an sinh xã hội tương đối toàn diện, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) xuống còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Sau ba thập niên, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm hơn 10 lần.
Cùng với đó, khoảng cách mức độ phân hóa thu nhập tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng giữa các nhóm dân cư, khu vực, vùng, miền có xu hướng thu hẹp. Năm 2019, phân hóa thu nhập theo chỉ số bình quân đầu người ở thành thị là 2019 là 7,2 lần; nông thôn là 9,6 lần; cả nước là 10,2 lần. Đến năm 2020, các con số này là 5,44 lần; 7,98 lần và 8,07 lần. Điều đó chứng tỏ mức độ bình đẳng xã hội về thu nhập được bảo đảm ngày càng tốt hơn, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển. Hệ số bất bình đẳng về thu nhập (hệ số GINI) trên phạm vi cả nước cũng như trong mỗi vùng, miền, nhất là các vùng khó khăn đều có xu hướng giảm theo thời gian. Cụ thể, hệ số GINI tính chung cho cả nước các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,425; 0,423; 0,375, chứng tỏ mức độ bình đẳng thu nhập ngày càng tăng lên. Đây chính là hiện thực của giá trị phát triển vì con người ở nước ta xét về mặt kinh tế.
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân được chú trọng. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60,9% dân số (2010) lên 90,7% dân số (2020), cơ bản bao phủ toàn dân. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta không ngừng được cải thiện, đã xây dựng hệ thống 766 bệnh viện các tuyến; 114 phòng khám đa khoa khu vực; 2.000 trạm y tế xã… Sự phát triển và tính ưu việt của hệ thống y tế, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được phát huy từ Trung ương đến cơ sở.
Chính sách ưu đãi xã hội và trợ giúp xã hội ngày càng được hoàn thiện, mức trợ cấp xã hội liên tục tăng, đối tượng trợ giúp xã hội được mở rộng, đời sống của họ từng bước được ổn định và cải thiện hơn so với trước đây. Thực hiện quyền con người, lấy con người làm trung tâm, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, Chính phủ chú trọng ban hành và thực thi các chính sách về nhà ở, việc làm, tiền lương… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng.
Những quan điểm trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thể hiện giá trị cốt lõi về mục tiêu phát triển với khát vọng: "Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”".
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển, xác định một trong những mối quan hệ lớn cần tiếp tục quán triệt và xử lý tốt là quan hệ giữa "tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội".