Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Tiêu chí môi trường, là một trong những tiêu chí khó trong hành trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân hoàn thiện, duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường; chủ động lồng ghép các nội dung của chương trình vào từng ngành, lĩnh vực có liên quan... góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Là xã biên giới thứ 2 của huyện Sông Mã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tiêu chí môi trường là một trong những nội dung được xã Mường Sai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Tòng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thực hiện tiêu chí này, tuy không cần nguồn kinh phí lớn, nhưng rất cần sự đồng thuận cao của nhân dân. Ban Chỉ đạo xã đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên xuống các bản hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình; trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn, khu dân cư. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức hội đoàn thể thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường... tạo được sự đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân chung tay thực hiện.

Đến nay, xã vận động 73,4% số hộ xây dựng bể chứa nước sinh hoạt, nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, đảm bảo 3 sạch; xây dựng 30 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để xử lý theo quy định, đặt ở các bản; vận động các hộ lắp đặt 113 đèn năng lượng mặt trời, thắp sáng đường bản.

Tại huyện Mai Sơn, thực hiện tiêu chí môi trường, đến nay, huyện có 11/22 xã, thị trấn đăng ký với Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và đô thị Sơn La - Chi nhánh huyện Mai Sơn và Thành phố thu gom, vận chuyển đi xử lý tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. Đồng thời, duy trì 82 điểm tập kết rác, trong đó, 38 điểm tại khu vực đô thị, 44 điểm khu vực nông thôn với 367 xe gom rác đẩy tay. Đối với các xã, bản, tiểu khu còn lại, các hộ dân tự thu gom, phân loại tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón và xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.

Ông Hà Nam Ninh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết: Từ đầu năm, huyện tổ chức hội nghị ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các địa phương phát động, nhân rộng phong trào bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, vận động các gia đình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Đến nay, toàn huyện có trên 31.000 hộ thực hiện phân loại rác, đạt 80,2%; duy trì 27 mô hình tổ thu gom rác tự nguyện. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 78,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị duy trì thu gom, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh đạt 93,6%. Toàn tỉnh có 72 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại như: nguồn gây ô nhiễm môi trường nông thôn chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt do ý thức của người dân chưa cao; một số địa phương tập kết rác chưa đúng nơi quy định; hoạt động chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phát sinh lượng chất thải, rác thải lớn...

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Hằng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành vừa hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát huy sự vào cuộc của các đoàn thể, sự giám sát chặt chẽ của người dân để không có tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại các nhà máy, cơ sở chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày nước thế giới”, “Chống rác thải nhựa”...

Xây dựng nông thôn mới là hành trình không ngừng nghỉ. Việc duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có tiêu chí môi trường là nhiệm vụ khó, đòi hỏi các địa phương phải thường xuyên quan tâm; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải không đúng quy định...

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-G2Uy8rlIR.html