Thực hiện tốt các tiêu chí về giảm nghèo bền vững
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo và đạt được một số kết quả quan trọng.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở bản Bá, xã Trung Hạ (Quan Sơn) sống chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Năm 2016, chị Lan vay 120 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình MTQG giảm nghèo để đầu tư vào mô hình nuôi lợn. Ban đầu chị nuôi vài con lợn giống, nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, dần dần chị mở rộng quy mô nhân đàn lợn lên hàng chục con mỗi lứa. Gia đình chị Lan đã hoàn toàn thoát nghèo, thu nhập mỗi năm từ 200 triệu đến 240 triệu đồng.
Hay như gia đình bà Vi Thị Thinh ở thôn Tân Thành, xã Tân Phúc (Lang Chánh) là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ con giống từ Dự án hỗ trợ trâu sinh sản giảm nghèo bền vững. Được biết, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên dù rất cố gắng nhưng gia đình bà Thinh vẫn thiếu vốn mua giống vật nuôi chất lượng cao. Từ khi gia đình được Nhà nước hỗ trợ trâu giống và tập huấn quy trình chăm sóc, bà Thinh đã tuân thủ các biện pháp chăn nuôi và phòng chống bệnh nên trâu rất khỏe mạnh; hiện tại gia đình có 3 con trâu (trong đó có 1 trâu mẹ và 1 con nghé). Nhờ chính sách hỗ trợ con giống, gia đình bà Thinh đã thoát nghèo. “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ trâu, kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho gia đình tôi và nhiều hộ khó khăn trên địa bàn. Đây chính là nguồn lực để chúng tôi cố gắng vươn lên thoát nghèo”, bà Thinh cho biết.
Là huyện nghèo nằm ở vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa và nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước, Lang Chánh xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện thường xuyên và liên tục theo mục tiêu, lộ trình đã đề ra. Chính vì vậy, để sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Lang Chánh luôn nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế; không chỉ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, địa phương còn khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực, từ đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 30,6%, thì đến năm 2024 giảm còn dưới 12%. Huyện Lang Chánh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm được 885 hộ nghèo trở lên, thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng/năm.
Đồng bộ các giải pháp
Ngày 21/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND “Về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định tập trung giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn... Theo đó, tỉnh ta đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai các phong trào với nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các huyện đồng bằng ven biển ký kết chương trình phối hợp, kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế với các huyện miền núi; phân công các sở, ban, ngành cấp tỉnh giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện miền núi cũng có những giải pháp tích cực để huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo, XDNTM, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, từ đó giúp nhiều hộ DTTS vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, ngành, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả, đến nay, các địa phương đã giải ngân vốn đầu tư phát triển được khoảng 70,3% so với tổng số đã giao chi tiết; vốn sự nghiệp, đã giải ngân được khoảng 44% so với tổng số vốn được giao chi tiết. Đã có 83 dự án đầu tư phát triển, trên 600 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, thiết thực được triển khai, nhân rộng như mô hình: Dự án hỗ trợ liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm gà lai chọi tại xã Phú Xuân (Quan Hóa); Dự án liên kết nuôi vịt bầu bản địa tại xã Trí Nang (Lang Chánh); Dự án liên kết nuôi cá lồng tại xã Trung Xuân (Quan Sơn); Dự án bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu dong riềng kết hợp chế biến miến dong Thuận Tâm tại xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy); Dự án liên kết chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm tại huyện Bá Thước...
Nhờ triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,52% (cuối năm 2023) xuống còn 2,02% (cuối năm 2024), còn 20.660 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,57% xuống còn 4,57%, còn 45.878 hộ cận nghèo. Trong giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 1,58%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua... Phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.