Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Bộ LĐ, TB&XH cho biết, năm 2023, ngành tập trung mở rộng độ bao phủ và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội...

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đây là mục tiêu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2023, ngành tập trung mở rộng độ bao phủ và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; giám sát về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở các địa phương.

Bộ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục, quy trình và thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, đúng đối tượng. Cùng với đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và Quyết định số 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, địa phương củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế quan hệ lao động, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động, đình công và kịp thời hỗ trợ giải quyết các vụ việc phát sinh bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, giữ ổn định an ninh trật tự xã hội.

Ngành tăng cường công tác theo dõi, giám sát thực hiện pháp luật lao động, tiền lương và quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; nghiên cứu cơ chế tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2022/NĐ-CP ngày 21/6/2022 của Chính phủ; đánh giá tình hình thực hiện pháp luật lao động về hoạt động cho thuê lại lao động.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đột phá nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6/2023 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Bộ phấn đấu thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử; phối hợp, triển khai thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Theo chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2023, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39 – 40%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo thất nghiệp khoảng 31,5 – 32%.

Vân Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/thuc-hien-tot-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-that-nghiep-20230304092217114.htm