Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu
HUYỆN HỒNG NGỰ
ĐTO - Thời gian qua, huyện Hồng Ngự đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch của từng đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT và ứng phó với BĐKH được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Hồng Ngự quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức: phát tờ rơi, áp-phích, phát động trồng cây xanh; xây dựng các mô hình điểm về BVMT... được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài ra, ngành chức năng còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Hồng Ngự mở chuyên mục BVMT lồng ghép chủ động ứng phó với BĐKH để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện và xã. Liên quan đến công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, huyện Hồng Ngự khuyến khích các mô hình sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ hạn chế ô nhiễm môi trường; xã hội hóa các mô hình thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình; xây dựng các công trình kết hợp sống chung an toàn với lũ,...
Từ các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, địa phương đã triển khai hoàn thành nhiều dự án chống úng ngập, điều tiết lũ, chống sạt lở bờ sông, triển khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, BVMT có hiệu quả, phục vụ tốt công tác ứng phó BĐKH, nhất là các dự án cấp bách đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Từ thực tế, huyện Hồng Ngự đã triển khai thành công nhiều đề án cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng du lịch sinh thái miệt vườn, đặc biệt là các xã cù lao: Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận A, Phú Thuận B. Bên cạnh đó, Hồng Ngự đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân và tổ chức cho nông dân đi học tập kinh nghiệm các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của nông dân ngoài tỉnh để giúp người dân canh tác hiệu quả theo hướng bền vững. Khuyến khích và triển khai áp dụng thực tế nhiều mô hình bảo tồn và phát triển các loại cây trồng và vật nuôi bản địa quý hiếm, trong đó chú trọng các loài có giá trị kinh tế cao, tính đa dạng sinh học cao như: cá giống (tra, hú, lóc, lăng nha, điêu hồng), rau màu (củ cải, rau muống, cải, hành), cây dược liệu (đinh lăng, a-ti-sô), sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (lúa, cây ăn trái)... tiến tới sản xuất bền vững, an toàn hiệu quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Hàng năm, UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, thẩm quyền tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn bao gồm nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. UBND huyện Hồng Ngự đã phê duyệt, triển khai thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đối với từng khu vực trên địa bàn bằng hình thức xã hội hóa, đồng thời tiếp tục xây dựng đề án thực hiện những năm tiếp theo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện đề án có thời điểm bị gián đoạn do năng lực đơn vị thu gom hạn chế. Đối với các bãi chứa rác tập trung, hàng năm, UBND huyện đều bố trí kinh phí vận hành, khắc phục ô nhiễm trong hoạt động, vì vậy, đến thời điểm hiện tại cơ bản các bãi rác đều hoạt động hiệu quả, đảm bảo theo quy định.
Huyện Hồng Ngự duy trì công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và dự báo khí tượng thủy văn để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về hiện trạng thành phần môi trường, dự báo nhanh về tình hình khí tượng thủy văn khu vực phục vụ mục tiêu thông tin kịp thời hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình nghiên cứu và công tác quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở nông nghiệp, hệ thống canh tác sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai được triển khai thực hiện theo hướng tăng cường thích ứng với BĐKH gắn với khuyến cáo nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân sinh học trong trồng trọt, giảm lưu lượng phân bón hóa học. Các vùng quy hoạch sản xuất 3 vụ trong năm, đảm bảo điều kiện thoát lũ lấy phù sa để trả lại độ màu mở cho đất, đảm bảo sản xuất hiệu quả, ổn định an ninh lương thực.