Thực hiện tốt công tác dân tộc
Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó đồng bào DTTS là 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Diện mạo vùng đồng bào đã từng bước thay đổi, đời sống của bà con các DTTS được nâng lên rõ rệt, phong tục, tập quán, nghi lễ văn hóa tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ...
* Phát triển sản xuất, đẩy mạnh giảm nghèo
Ông Thổ Út cho hay, theo Quyết định số 582/QĐ-UBDT ngày 18-12-2013 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh còn 2 ấp đặc biệt khó khăn (ấp 3, 7 xã Thanh Sơn, H.Định Quán); Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biêt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh còn 3 ấp đặc biệt khó khăn (ấp 4, 7 xã Tà Lài và ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú).
Với nhiều nỗ lực, đến nay Đồng Nai không còn ấp đặc biệt khó khăn. Vùng đồng bào dân tộc đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh. Giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh giảm được 3.418 hộ nghèo là người DTTS, bình quân mỗi năm giảm được 570 hộ...
Bà Điểu Thị Út, dân tộc Chơro là nông dân nghèo sống tại ấp 5, xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Gia đình bà có 2ha đất, song do canh tác chưa hiệu quả nên thu nhập không đáng là bao. Sau khi được cán bộ ngành Nông nghiệp về hướng dẫn chuyển đổi trồng giống điều ghép, bà đã mạnh dạn chuyển đổi, tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
“Nhờ đó, sau 4 năm chuyên tâm thực hiện chuyển đổi, sản lượng ngày càng tăng, thu nhập ổn định. Gia đình tôi rất tin tưởng, phấn khởi mở rộng thêm diện tích cây trồng. Hiện tôi đã có 4,5ha đất, trong đó có 4ha trồng điều, 0,5ha trồng bưởi da xanh. Đời sống gia đình tôi ngày càng ấm no, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được xe và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt tiện nghi” - bà Điểu Thị Út phấn khởi bày tỏ.
Khi đã trở thành một hộ sản xuất, kinh giỏi, nhằm chung tay góp sức vào công tác giảm nghèo tại địa phương, bà Út tích cực hỗ trợ đồng bào mình cùng vươn lên bằng nhiều cách làm khác nhau như tạo việc làm, hỗ trợ và vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn; vận động thực hiện công trình đèn đường chiếu sáng... Qua đó, đã góp phần tạo môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tạo điều kiện để bà con nhân dân trong ấp yên tâm lao động, sản xuất.
Thực tiễn cho thấy, để có được kết quả trên, tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó, luôn tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành, nghề dịch vụ nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao giống, quy trình trồng và sơ chế, bảo quản sản phẩm, thông tin thị trường tiêu thụ nông sản cho hộ DTTS nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng. Tăng cường hỗ trợ thêm nguồn vốn giúp đồng bào phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nhằm tăng thêm thu nhập, giảm và thoát nghèo...
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS. Trong đó, có thể thấy rõ là việc đầu tư, khôi phục lại làng nghề giúp cho đồng bào có thu nhập ổn định, phát triển và giới thiệu những sản phẩm truyền thống mang bản sắc dân tộc địa phương. Lao động DTTS tại chỗ với truyền thống sản xuất nghề lâu năm nên có trình độ tay nghề khá cao, nhanh nhạy trong ứng dụng các công nghệ thiết bị hiện đại vào trong sản xuất đã giúp tăng năng suất lao động, đa dạng hóa các sản phẩm.
* Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội
Theo ông Thổ Út, một trong những nỗ lực khác trong công tác dân tộc những năm qua là việc tỉnh luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc. Điều đó được thể hiện ở việc chỉ đạo các cấp, các ngành đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Nhờ đó, đến nay 100% xã, khu ấp đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia, hộ có điện sinh hoạt đạt 99,15%; hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các xã có hệ thống loa truyền thanh hoạt động tốt, trải đều đến các ấp và hệ thống thiết bị kỹ thuật hoạt động ổn định, thường xuyên, phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đời sống văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: GD-ĐT, văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian... và đạt được kết quả quan trọng.
Anh Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh chia sẻ, tại TP.Long Khánh, những năm qua, các chỉ đạo của tỉnh, thành phố luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng.
Bằng nhiều nỗ lực khác nhau, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào trên địa bàn ngày càng phong phú, vừa duy trì, bảo tồn được các nét văn hóa riêng của đồng bào vừa tiếp thu được những nét văn hóa khác. Các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong đồng bào đã phát triển mạnh, việc khai thác sử dụng các điệu múa cồng chiêng, hình thành mô phỏng các hoạt động sinh hoạt xưa của đồng bào để dàn dựng thành các tiết mục múa đặc sắc đã được đồng bào quan tâm, chú trọng... Qua đó, bước đầu xây dựng được một diện mạo về đời sống văn hóa phong phú, góp phần thu hẹp khoảng cách đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đồng bào dân tộc.
* Đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững
Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiến tới nâng cao hơn nữa mọi mặt trong kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS, với chủ đề Đồng bào các DTTS tỉnh Đồng Nai đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần III-2019 đã xác định mục tiêu của công tác dân tộc trong những năm tới.
Trong đó, phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người DTTS. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; tăng cường chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.
Trong khi đó, để phát huy tốt vai trò của MTTQ trong công tác dân tộc, ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên cùng cấp sẽ tiếp tục quán triệt các quan điểm, nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20-8-2015 của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ về Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc.
Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chú trọng phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc và giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS, miền núi. Phối hợp xây dựng, triển khai hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Từ năm 2014 đến nay, Đồng Nai đã tổ chức 5 hội nghị biểu dương khen thưởng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi người DTTS và người uy tín. Đã có 256 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và 67 người uy tín được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202010/thuc-hien-tot-cong-tac-dan-toc-3024275/