Thực hiện tốt công tác giảm nghèo

Với quyết tâm 'Không để ai bị bỏ lại phía sau', các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể, cá nhân từ tỉnh tới cơ sở đã tích cực hưởng ứng phong trào, phát huy tinh thần đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Cứng hóa đường về khu Lóng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân.

Giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm giảm bình quân 1,61%, riêng tại huyện Tân Sơn, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,23%/năm, huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020… Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chương trình 30a trên địa bàn huyện Tân Sơn và Chương trình 135 được triển khai trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thay đổi toàn diện. Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của bà con; tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 66,2% (mục tiêu đặt ra trên 50%).

100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, 80% đạt trình độ cao đẳng trở lên. Các hộ nghèo được tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 4%/năm; trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điện, nước sinh hoạt; cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số ước đạt trên 20 triệu đồng/người/năm (bằng 51,78% so với mức bình quân chung của tỉnh).

Song song với Chương trình 30a và Chương trình 135, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 1.052 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 33 xã. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện lồng ghép nhiều hoạt động tập huấn của ngành nông nghiệp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững… Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật, hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,04% năm 2016 xuống còn 4,34% năm 2020.

Nhằm tạo bứt phá cho các địa phương trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hết năm 2022, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 được triển khai đảm bảo đúng quy định. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 5,19% (giảm 0,69%), hộ cận nghèo 4,18% (giảm 0,49%) so với đầu kỳ.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp huyện để cấp thẻ BHYT cho 34.948 người thuộc hộ gia đình nghèo, 24.584 người thuộc hộ gia đình cận nghèo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận các dịch vụ y tế bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao. Mặt khác, công tác bảo trợ xã hội đạt được nhiều kết quả, toàn tỉnh hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho 67.260 đối tượng; triển khai thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý…

Ông Hoàng Xuân Đoài- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo đảm bảo tiến độ, phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, tạo sức lan tỏa trong xã hội…Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Qua đó phát huy sức mạnh nội lực, huy động sự vào cuộc của xã hội trong huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kịp thời giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nghèo tự xác định được tình trạng nghèo của hộ gia đình, kết nối với thị trường và nâng cao nhận thức, năng lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/thuc-hien-tot-cong-tac-giam-ngheo/190745.htm