Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
Qua 2 năm rưỡi thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 7-5-2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang được giao thực hiện 4 nhiệm vụ.
Cụ thể, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; đề án tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về quản lý, xử lý rác thải, nước thải, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Các địa phương có nhiều giải pháp tích cực trong quản lý và xử lý rác thải, nước thải phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện toàn tỉnh có 7 huyện, thành phố có những kết quả bước đầu khi thực hiện cụ thể hóa 2 đề án của tỉnh.
UBND huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) hoàn thành đề án thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện; huyện Kiên Hải có 2 tổ tự thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn ấp An Cư, ấp Bãi Ngự, xã An Sơn; huyện Gò Quao vận động các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật xây dựng được 128 hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, định kỳ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
Trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1440/QĐ-UBND, ngày 9-6-2022 về phê duyệt đề án khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là về đất đai, tài nguyên khoáng sản, cảnh quan thiên nhiên, các di tích, danh thắng và giá trị văn hóa truyền thống để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, căn cứ vào nội dụng đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện phương án phân bổ đất đai theo mục đích sử dụng giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của các sở, ngành, địa phương, dự kiến đến năm 2025 tỉnh sẽ giảm diện tích đất nông nghiệp còn 544.018ha, chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đến năm 2025, diện tích đất phi nông nghiệp của tỉnh khoảng 82.511ha, tăng 16.780ha so năm 2020.
Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 244 mỏ khoáng sản. Để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh hoàn thành phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch khai thác 15 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng; 12 mỏ sét được khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói; 26 mỏ được khai thác làm vật liệu san lấp; 16 mỏ khoáng sản than bùn…
Theo đồng chí Trần Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung các đề án để các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động trong công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của các đề án, dự án, kế hoạch đề ra; tăng cường nguồn lực, nhân lực, vật lực, khoa học, công nghệ cho công tác bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: THÙY TRANG