Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đổi mới công tác cán bộ
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII thành công tốt đẹp sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Cử tri và nhân dân An Giang bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao, ngày càng tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo dõi Hội nghị qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp ý kiến về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đánh giá: Các cấp ủy tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Theo ông Hà, để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đòi hỏi các cấp ủy cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Đặc biệt, chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Trong công tác xây dựng Đảng, ông Hà cho rằng, cần đặc biệt quan tâm phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song đó, các cấp ủy đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương….
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, ông Trương Long Hồ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang nêu ý kiến: Các cấp ủy phải thường xuyên quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác cán bộ. Song song đó, đảm bảo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; mọi vấn đề về chủ trương, chính sách, đánh giá, sử dụng cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến đóng góp của quần chúng trong cơ quan, đơn vị.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang nhấn mạnh: Trong công tác cán bộ, các cấp ủy cần nghiên cứu, kết hợp giữa các thế hệ cán bộ cao tuổi với cán bộ trẻ lãnh đạo và quản lý. Đây là nội dung quan trọng để đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa, phát triển trong công tác cán bộ. Mỗi thế hệ cán bộ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nếu nhận thức đúng đắn, phát huy tốt những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả các công việc được giao.
Ông Trương Long Hồ cũng lưu ý, khi đánh giá, nhận xét và sử dụng cán bộ trẻ, cấp ủy cần quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đạt hiệu quả cao trong công việc. Có như vậy, họ mới trở thành những cán bộ có tài, có đức, xứng đáng là "người lãnh đạo, người đầy tớ" trung thành của nhân dân.
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang, đội ngũ cán bộ phải kỹ lưỡng trong xử lý công việc, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; chống phô trương, hình thức. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội…
Ông Hồ dẫn chứng, bài học từ Quảng Ninh - địa phương dẫn đầu cả nước trên cả hai bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một ví dụ điển hình cho thấy vai trò của đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm cùng các thử nghiệm mạnh dạn bắt nguồn từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, của tư duy đổi mới và có trách nhiệm. Khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, nếu chính sách, pháp luật có điểm chưa rõ thì chính quyền Quảng Ninh rất ít khi lúng túng, không làm gì cả hay đợi xin được ý kiến chỉ đạo; tỷ lệ này của Quảng Ninh thấp nhất cả nước. Điều này chỉ có thể làm được khi nội bộ thật sự đoàn kết, có người chịu trách nhiệm cao nhất, truyền cảm hứng cho cấp dưới.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cán bộ đột phá sẽ tạo thể chế đột phá và thể chế đột phá, chất lượng cao sẽ giúp huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong xã hội, tạo động lực để toàn dân cùng hành động; khuyến khích, bảo vệ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, làm giàu chính đáng, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hùng cường…