Thực hư báo động rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

CNN ngày 14/6 dẫn nguồn tin độc quyền cho biết, Chính phủ Mỹ tuần qua đã dành thời gian để xem xét một báo cáo được gửi tới Bộ Năng lượng nước này về sự cố rò rỉ tại nhà máy điện Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhà máy điện Đài Sơn trong quá trình xây dựng vào tháng 10/2013. Ảnh: Bloomberg.

Nhà máy điện Đài Sơn trong quá trình xây dựng vào tháng 10/2013. Ảnh: Bloomberg.

Framatome - doanh nghiệp chịu trách nhiệm thiết kế và vận hành lò phản ứng của nhà máy - do liên doanh giữa Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) điều hành, đã cảnh báo về một "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra".

Theo báo cáo, các chỉ số khí trơ hiện đang dưới mức tối đa được cho phép ở Trung Quốc, trong khi người phát ngôn của EDF nói rằng, lúc này chưa thể biết liệu lò phản ứng có phải ngừng hoạt động hay không.

EDF cho biết, sự tích tụ của các khí krypton và xenon mà họ cho là đã ảnh hưởng đến mạch chính của lò phản ứng số 1 của nhà máy Đài Sơn là một hiện tượng "đã được ghi nhận và được nghiên cứu trong quy trình vận hành lò phản ứng". Krypton và xenon không có xu hướng phản ứng với các chất khác nhưng chúng có chất phóng xạ và do đó phải được theo dõi liên tục.

EDF đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp với CGN để xem xét các phát hiện mới, trong khi chủ sở hữu đa số của liên doanh CGN - do nhà nước điều hành - khẳng định trong một tuyên bố hôm 13/6 rằng các hoạt động tại nhà máy vẫn đáp ứng các quy tắc an toàn và an toàn của môi trường xung quanh.

Lò phản ứng Đài Sơn là Lò phản ứng áp lực châu Âu (EPR) đầu tiên do Pháp thiết kế đã đi vào hoạt động. Công nghệ này cũng đang được triển khai ở Pháp, Phần Lan và tại dự án Hinkley Point C ở Anh. Nguồn điện từ nhà máy chủ yếu phục vụ cho khu vực Quảng Châu và Thâm Quyến - các trung tâm sản xuất lớn của tỉnh Quảng Đông.

Theo CNN, bất chấp cảnh báo từ Framatome, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng cơ sở này vẫn chưa đến mức khủng hoảng. Tuy nhiên, điều bất thường là một công ty nước ngoài lại đơn phương liên hệ với Chính phủ Mỹ để được hỗ trợ khi đối tác nhà nước Trung Quốc của họ chưa thừa nhận vấn đề tồn tại.

Cũng theo CNN, báo cáo của Framatome còn bao gồm cáo buộc rằng cơ quan an toàn Trung Quốc đang nới lỏng giới hạn có thể chấp nhận được đối với việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy Đài Sơn, để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Bình luận về sự việc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp quốc cho biết ở giai đoạn này, cơ quan "không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy một sự cố phóng xạ đã xảy ra". IAEA hiện đã liên hệ với các quan chức ở Trung Quốc để làm rõ hơn về vấn đề này.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuc-hu-bao-dong-ro-ri-phong-xa-tai-nha-may-dien-hat-nhan-trung-quoc-423609.html