Thực hư chuyện có mưa ngoài vũ trụ?

Các nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết, có thể có mưa trên hành tinh ngoài hệ Mặt trời mang tên Kepler-7b.

Những phát hiện này sẽ được xuất bản trên tạp chí Astrophysical và giúp các nhà khoa học lần đầu tiên lập được bản đồ cấu trúc đám mây trên một thế giới bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta. Và một ngày nào đó, có thể được sử dụng để nghiên cứu những đám mây trên những hành tinh nhỏ hơn, giống Trái đất hơn.

Kepler-7b là một hành tinh khí, ngoài Hệ Mặt trời, được bao phủ bởi những đám mây silicat, lớn gấp đôi sao Mộc nhưng có trọng lượng chỉ bằng một nửa sao Mộc. Ngôi sao chủ của Kepler- 7b nằm trong chòm sao Lyra, là một trong những khám phá đầu tiên sử dụng kính viễn vọng không gian Kepler của NASA.

 Mô phỏng hình ảnh Kepler-7b (bên trái) và sao Mộc (bên phải). Ảnh: NASA.

Mô phỏng hình ảnh Kepler-7b (bên trái) và sao Mộc (bên phải). Ảnh: NASA.

Brice- Olivier Demory, nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ Massachusetts, tác giả chính của nghiên cứu cho hay: Kepler-7b có thể phát sáng bởi nó quay gần ngôi sao chủ (bằng 6/100 khoảng cách Trái đất – Mặt trời) nên thường hấp thụ nhiều ánh sáng có thể nhìn thấy được của ngôi sao chủ và tỏa ra bức xạ nhiệt với hiệu suất phản chiếu cao đáng ngạc nhiên (gấp 3 lần mức thông thường của các hành tinh giống sao Mộc nóng).

Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA cho thấy nhiệt độ của hành tinh này vào khoảng 815 – 982 độ C, lạnh hơn nhiều so với 1.204 độ C trên sao Mộc.

Rõ ràng, hành tinh mát mẻ này không thể phát ra bức xạ nhiệt xa. Các nhà khoa học kết luận, ánh sáng của Kepler-7b phải được phản xạ bởi những đám mây.

"Kepler-7b là có mật độ và nhiệt độ đặc biệt, cho phép những đám mây hình thành trong không khí và đủ cao để ngăn chặn sức nóng từ bên dưới." Demory nói. “Đây không phải là đám mây nước. Những đám mây dày đặc có lẽ tạo thành từ hợp chất giàu silicon, có thể là perovskite và forsterite - có trong các loại đá trên Trái đất. Perovskite có khả năng khiến các đám mây có màu xanh.”

Kepler- 7b là quả cầu khí quá lớn, ở quá gần ngôi sao chủ nhưng việc tìm kiếm ngôi sao khí khổng lồ có thể cung cấp thêm cho các nhà khoa học về các điều kiện cụ thể gây ra những đám mây lạ và giúp các nhà khoa học lập bản đồ đám mây ở những hành tinh nhỏ hơn, nhiều đá hơn và giống Trái đất hơn.

"Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm các hành tinh có sự sống", Demory nói. “Sẽ có rất nhiều hành tinh trước đây chúng ta cho rằng không thể có sự sống nhưng bây giờ các nhà khoa học phải xem xét lại. Các đám mây có thể thay đổi khí hậu và điều kiện sống của các hành tinh."

Thanh Thủy (theo Latimes)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/thuc-hu-chuyen-co-mua-ngoai-vu-tru-268001.html