Thực hư hai con nghê cổ biến mất khi trùng tu lăng vua triều Nguyễn
Trong khi dư luận ở Huế cho rằng, hai con nghê chạm ngọc đã bị mất sau khi trùng tu lăng vua Đồng Khánh thì tổ giám sát công trình lại khẳng định hoàn toàn không có chuyện này.
Thời gian gần đây, dư luận xuất hiện thông tin, sau khi trùng tu Lăng vua Đồng Khánh (quần thể di tích Cố đô Huế ở tỉnh Thừa Thiên - Huế), 2 con nghê chạm ngọc bỗng không cánh mà bay. Tuy nhiên, trước luồng thông tin này, tổ giám sát công trình trùng tu lăng vua Đồng Khánh khẳng định, không có chuyện 2 con nghê chạm ngọc bị mất.
Theo tổ giám sát công trình, mái trước điện Ngưng Hy có 4 con nghê. Trong đó, có 2 con ở bên bờ (1 con còn khá nguyên vẹn, 1 con bị hư hỏng đã được phục chế hoàn thiện) được gắn trở lại vị trí cũ.
Còn 2 con còn lại (2 con nghê được cho rằng đã bị mất - PV) thì 1 con đã mất đầu, mất đuôi và mất phần chân phía trong, chỉ còn một mảng gốm ngoài ở hông bên trái ốp lên cốt xi-măng; con nghê còn lại cũng bị vỡ nhiều mảnh, được gắn lại trên một khối xi - măng để giữ lại hình thù.
Cũng theo tổ giám sát công trình trùng tu lăng vua Đồng Khánh, 4 con nghê kể trên không phải là các con nghê “chạm ngọc”, mà được chế tác bằng chất liệu gốm đất nung có tráng men. Công trình trùng tu lăng vua Đồng Khánh hiện vẫn đang tiến hành và đơn vị thi công chưa bàn giao công trình.
Đơn vị giám sát trùng tu lăng vua Đồng Khánh cũng khẳng định, qua nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, phía đơn vị thi công đã được phép đưa con nghê bị vỡ nhiều mảnh ra làng Bát Tràng (Hà Nội) làm mẫu phục chế hai con nghê hư hỏng nêu trên, sau đó, sẽ đưa về gắn trở lại lên công trình như ban đầu.
Đối với con nghê gốc đã bị vỡ, sau khi làm mẫu phục chế sẽ được đưa về Bảo tàng Cổ vật Cung đình tại Huế trưng bày. Con nghê làm mẫu hiện được nghệ nhân Trần Xuân Triều ở làng Bát Tràng nghiên cứu phục hồi, dự kiến hoàn thành phục chế trong tháng tới.
Đơn vị giám sát trùng tu lăng vua Đồng Khánh cũng cho biết thêm, trong quá trình trùng tu, hạ giải mái điện Ngưng Hy, tổ giám sát và đơn vị thi công đã cho đánh dấu cấu kiện và hạ giải từng bộ phận, từng mảng trang trí sành sứ, pháp lam.
Sau đó, hiện vật được bảo quản cẩn trọng, chờ hoàn tất việc tái thiết mái ngói ngôi điện sẽ cho đưa lên gắn trở lại như hiện trạng trước khi tháo dỡ.
Video: Sai phạm nằm ở đâu trong vụ san phẳng lăng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đỗ xe?